Hoàngquang’s Blog

10/05/2012

Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức

Hà Sĩ Phu
PV Quốc Doanh -(1)Kẻ thù của độc lập, tự do (2) Kẻ thù nguy hiểm nhất của độc lập, tự do &(3) Hậu quả tự đánh mất độc lập, tự do
Bùi Công Tự: ĐI TÌM SỰ THẬT, NÓI LÊN SỰ THẬT
BVN Lời kêu gọi về dự án Ecopark tại Hưng Yên, Việt Nam gửi British University Vietnam và Tập đoàn Savills
VOA Giàn khoan của Trung Quốc bắt đầu hoạt động ở Biển Đông ( . GDVN Trung Quốc đã bắt đầu khoan, chọc, hút dầu trên biển Đông bằng dàn 981 baomoi.com Giàn khoan khủng TQ đã khoan ở Biển Đông TT Bắc Kinh biến Manila thành kẻ gây hấn & Bắc Kinh biến Manila thành kẻ gây hấn

***
Hà Sĩ Phu-Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức

Con người có thể nhận thức được chân lý khách quan là nhờ biết KHÁI QUÁT HÓA, đúc kết, xâu chuỗi những hiện tượng của thực tiễn thành các quy luật để hướng dẫn cho hành động, tác động vào thực tiễn, rồi lại lấy kết quả thực tiễn để tiếp tục kiểm tra sự đúng sai của nhận thức đã có… Nhưng nếu những khái quát, đúc kết thực tiễn ban đầu đã sai mà lại quyết tâm “kiên trì” và phát triển những sai lầm gốc rễ ấy thì nguy hiểm biết chừng nào? Bài giảng về chủ nghĩa xã hội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thuyết trình tại Cuba vừa rồi là một ví dụ điển hình như vậy.

Trò chuyện với một vị đảng viên già, từng lão luyện trong nghề tuyên giáo về bài viết ấy của ông Tổng Bí thư, tôi bất ngờ về một nhận xét thú vị:
Người ta cứ bảo ông Trọng là Trọng Lú, hay Trọng Cuội như hỗn danh của đám dân đen gọi ông, nhưng đến bài này tôi thấy ông ấy cũng khôn, có tính toán đáo để, và có pha chút tự tin tự hào thật sự nữa mới khổ. Cả bài lý luận thì ông ấy “cóp” y nguyên những gì đã học được ở trường Đảng của Liên Xô, duy có một điểm sáng tạo để ghi dấu ấn Nguyễn Phú Trọng vào lịch sử Mác-Lê, đó là ông tự cho mình đã đem lại cho nền kinh tế thị trường của nhân loại một khái niệm, một hình thái kinh tế-chính trị mà loài người chưa từng biết đến là “Kinh tế thị trường với cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa”, tương tự như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đóng góp cho nhân loại cái lý thuyết “Làm chủ tập thể” vậy. Cuba là diễn đàn thích hợp nhất để ông tung ra luận điểm “đột phá” này.
Tôi gật gù: Ừ thì, “đã sinh ra ở trong tuyên giáo, phải có danh gì với Mác-Lê” một tý chứ lỵ, đường đường một Tiến sĩ Xây dựng Đảng chứ có phải…

Thú thật, bây giờ cứ trông thấy ông nào nói đến Mác-Lê một cách trịnh trọng là tôi lại thấy mủi lòng mà ái ngại thế nào ấy, chẳng lẽ ông này là đồ đệ của Kim Jong In hay sao mà không biết rằng đó chỉ là một thứ “rác tư duy” mà lịch sử đã vứt vào sọt? Bà Thủ tướng Brasil tỏ ý ghê tởm một tín đồ Mác-Lê và chốt cửa không cho vào thì cũng phải thôi.

Phải công nhận những người sáng lập chủ nghĩa cộng sản đã rất “dũng cảm” khi quyết làm một cuộc tổng kết KHÁI QUÁT HÓA vĩ đại bao trùm hết thế giới và bao trùm hết lịch sử. Tiếc rằng ý đồ quá lớn nhưng lực bất tòng tâm nên cuối cùng chỉ là những “khái quát vội” và “khái quát nhầm” một cách trầm trọng.
Ví dụ:
– Lầm tưởng chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn sau cùng của chủ nghĩa tư bản trước giờ cáo chung,
– Lầm tưởng lịch sử loài người chỉ là những chuỗi đấu tranh giai cấp,
– Lầm tưởng tư hữu là kẻ thù duy nhất sinh ra bất công nên dùng quyền lực để tiêu diệt tư hữu,
– Lầm tưởng nhà nước chỉ là công cụ của giai cấp này đàn áp giai cấp khác nên hướng tới nhà nước tự tiêu vong,
– Lầm tưởng sản xuất tư bản càng phát triển thì người lao động càng bị bần cùng hóa nên xã hội tư bản sẽ đi vào đường cùng,
– Lầm tưởng giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến nhất có sứ mạng đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản,
– Lầm tưởng rằng vô sản toàn thế giới có thể liên hiệp lại vượt qua mọi ranh giới quốc gia,
– Lầm tưởng một số diễn biến tại châu Âu bấy giờ là khái quát chung cho thế giới,
– Lầm tưởng có thể thiết kế lại thế giới và uốn nắn lại con người, có thể điều khiển loài người một cách có kế hoạch và theo một quỹ đạo do những đầu óc siêu việt nghĩ ra… vân vân và vân vân…

Nhưng, nghĩ cho cùng thì Mác-Lê có cả nghìn điều sai lầm cũng chẳng cần để ý làm gì, chỉ biết một điều, còn Mác-Lê thì còn Đảng, còn Đảng thì vẫn còn câu Quốc tế ca “bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” là được rồi. Tim đen ấy ai mà chẳng biết, “bạn đời ơi ta đã hiểu nhau rồi” (thơ Tố Hữu nhiều câu trứ danh thật!).

Mác-Lê đã khái quát nhân loại một cách trật khấc như vậy, thì dưới ánh sáng ấy ông Tổng Bí thư có khái quát tình hình Việt Nam thế nào cũng có thể đoán trước. Có người bảo Tổng Bí thư mô tả hiện tình Việt Nam như lời một kẻ mộng du, thực tiễn một đằng đúc kết một nẻo. Ông Hạ Đình Nguyên thì gọi đó là “sự khốn cùng của đúc kết thực tiễn và tư duy lý luận”
thật chẳng sai chút nào.

Nhưng không phải tư duy của đảng viên cộng sản nào cũng “khốn cùng” như ông Tổng Bí thư. Trong những đảng viên có nhận thức khái quát ngược chiều với Tổng Bí thư và sát với thực tiễn không ai bằng cụ Lê Hiền Đức. Cụ Lê Hiền Đức không phải nhà lý luận và không hề có ý định viết lý luận, nhưng “đằm mình” trong thực tiễn ở những nơi xung đột nóng bỏng nhất của mâu thuẫn xã hội, cụ đã khái quát thực tiễn thành những kết luận đanh thép như dao chém đá, nổi bật nhất là hai luận điểm sau đây:

1- “Chừng nào ông Đoàn Văn Vươn và những người thân của ông còn phải nằm trong vòng lao lí, còn chưa được bồi hoàn các quyền lợi về vật chất, tinh thần đã bị xâm phạm thì chừng đó tôi còn nhìn chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự PHÓNG TO của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng mà thôi”. Kết luận này đánh tan một luận điểm cố hữu được dùng như tấm lá chắn cho sự sống còn của Đảng Cộng sản luôn coi mọi sự bê bối chỉ là những hiện tượng cá biệt, chỉ là sai lầm trong việc thực hiện ở cấp dưới. Cụ Lê Hiền Đức đã khái quát rằng trên dưới đều cùng một giuộc, càng lên trên thì đám “cướp ngày, cướp cạn” chỉ càng “phóng to” hơn mà thôi, vấn đề thuộc về bản chất rồi.

2- Sau khi “xét về nhiều mặt, tình cảnh người dân Việt Nam hiện nay còn kém cả thời chịu ách cai trị của phong kiến, ách đô hộ của thực dân, phát-xít”, sau khi thấy nhà nước hiện nay đã đi ngược lại các khẩu hiệu cách mạng trước đây, đã “nghiền nát hai chữ nhân dân” trong tên gọi của nhiều tổ chức do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cụ Lê Hiền Đức kết luận về Đảng và nhà nước hiện nay là “phản cách mạng đã rõ ràng rồi”.

Một đảng, một nhà nước tự xưng cách mạng nhưng hiện nay đã đi vào con đường “phản cách mạng” cũng tức là phản động, chống lại nhân dân!
Luận điểm này quan trọng, nó đánh tan luận điểm tuyên truyền cố hữu rằng “ý Đảng là lòng Dân”, Đảng với Dân là một!
Một khi “một bộ phận không nhỏ” trong giới cầm quyền đã phản cách mạng, phản lại nhân dân, dân và họ đã đi trên hai con đường ngược nhau thì làm gì có “thời cơ vàng của dân tộc cũng (đồng thời) là thời cơ vàng của Đảng ta” như tác giả Nguyễn Trung đã “phát hiện” và rất nhiều đảng viên tương tự cũng tán thành?

Và cũng không thể bàn về “sự lựa chọn nào cho Việt Nam” nói chung khi Việt Nam bao gồm hai thành tố ngược chiều khác nhau về lợi ích: một nhân dân Việt Nam lương thiện và một thế lực cầm quyền đã thoái hóa đến độ “phản cách mạng rõ ràng”, tức đã không còn đồng hành cùng nhân dân (mặc dù bác Nguyễn Trung phân tích thế giới bên ngoài rất kỹ càng, chí lý). Đây cũng là đề tài để những người cùng chung khát vọng canh tân đất nước phải suy nghĩ.

Sau cùng cho phép tôi nhắc đến mấy lời đồng cảm của riêng tôi, một người khác hẳn cụ Lê Hiền Đức, vì tôi không là đảng viên cũng chẳng có hoạt động thực tiễn nào ngoài lĩnh vực nghiên cứu sinh học, về xã hội tôi chỉ là kẻ “lý thuyết suông”. Vậy mà, may cho tôi, “tư duy lô-gích” trong bài “Chia tay Ý thức hệ” và bài ”Từ vụ Bô-xít nghĩ về vận nước”, đã giúp tôi mường tượng ra cái viễn cảnh dằn vặt trước sự PHẢN BỘI không thể tránh khỏi của tất cả những ai đã dấn thân theo con đường cộng sản:
“Học thuyết chuyên chính vô sản là bà đỡ cho cả nạn NỘI XÂM lẫn NGOẠI XÂM, hai kẻ sinh đôi này tất nhiên câu kết với nhau để cùng tước đoạt quyền làm chủ của dân đối với đất nước”.

“Hậu quả là ngày nay bất cứ người cộng sản nào cũng phải chọn một trong hai sự ‘PHẢN BỘI’ không thể thoái thác: hoặc là phản lại (hoặc từ bỏ) học thuyết sai lầm để trung thành với nước với dân (cũng là trung thành với tấm lòng và mục tiêu chân chính của Mác), hoặc là cứ ‘trung thành’ với học thuyết sai lầm thì lại phản dân tộc, phản tiến hoá. Người cộng sản tử tế chọn cách ‘phản’ thứ nhất! Còn phần lớn người cộng sản có quyền bính trong tay thì chọn cách ‘phản’ thứ hai, và gọi sự ‘phản’ của họ là đức tuyệt đối trung thành. Thái độ im lặng thực chất là gián tiếp đồng loã với cách phản bội thứ hai”.

Tôi cảm phục cụ Lê Hiền Đức một phần, vì sự dũng cảm của người đảng viên già dấn thân vào thực tế đấu tranh gian khổ cùng những người nông dân nghèo khó và oan ức, thì tôi càng cảm phục bội phần khả năng tư duy và khái quát chặt chẽ, rành mạch của cụ. Người đảng viên già sở dĩ rành mạch được vì trong tâm khảm của cụ chỉ có một nỗi đau đáu duy nhất: Tôi thương dân tôi lắm! Chỉ một câu đơn giản thế thôi mà nghe đến ứa nước mắt.

Trước bài thuyết trình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thực tiễn Việt Nam, cụ Lê Hiền Đức sừng sững là một đối chứng.
Từ Nguyễn Phú Trọng đến Lê Hiền Đức, một khoảng cách vừa rất gần mà cũng rất xa.

Người phụ nữ được Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế chẳng những MINH BẠCH trong hoạt động đấu tranh thực tiễn mà càng MINH BẠCH trong tư duy, trong khi tư duy của rất nhiều nhà trí thức khoa bảng hiện nay, kể cả trí thức tiến bộ xem chừng còn xa mới đạt đến độ… MINH BẠCH!

8/5/2012
Hà Sĩ Phu
Nguồn: Pro & Contra http://www.procontra.asia/?p=578
***

PV Quốc Doanh-(1)Kẻ thù của độc lập, tự do
Dịp kỷ niệm ngày 30/4 này, như 37 năm đã trôi qua, truyền thông lại nói nhiều về “chiến thắng”, “giải phóng”. Trong đó, có những giá trị trường tồn không cần tranh cãi, nhưng cái cách cứ nói hoài một giọng điệu, theo một kiểu tư duy suốt mấy chục năm cũng gây nhàm chán. Giá trị của quá khứ khác với các hiện vật bất biến nằm trong viện bảo tàng, mà sống động cùng cuộc sống tươi xanh luôn luôn đi tới. Theo ý nghĩa đó, PV Quốc Doanh tôi thấy, chiến thắng đánh dấu bằng đỉnh điểm trưa 30/4/1975 là sự chiến thắng kẻ thù của độc lập, tự do.
Hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm giải phóng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã chiến thắng kẻ thù của độc lập, tự do. Hiểu thêm câu nói vô cùng sâu sắc của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Cũng thoát ra được những rối rắm của các luận điểm nhai lại, những khẩu hiệu đã thành sáo rỗng, những loay hoay với quá khứ, để sống cho hôm nay và cho tương lai.
Bây giờ, nước Mỹ là thị trường lớn có giá trị quyết định đối với sự phát triển kinh tế nước ta, người Mỹ là đối tác làm ăn và học tập của người Việt. Quan hệ hai nước hòa bình, hữu nghị. Nhưng phải nói thẳng, từ ngày 30/4/1975 trở về trước mấy chục năm, nước Mỹ và người Mỹ với nước Việt và người Việt, không phải như bây giờ. Thời kỳ đau thương ấy, nước Mỹ là kẻ thù của độc lập, tự do nước ta, nên dân tộc Việt Nam quyết đánh Mỹ đến “thắng lợi hoàn toàn”, như lời Bác Hồ dạy. Việt Nam trở thành Anh Hùng Thời Đại, được nhiều người ví là lương tâm nhân loại, chính vì lẽ đó, nêu cao độc lập và tự do, không sợ hy sinh cho độc lập và tự do.
Độc lập và tự do trong xu hướng toàn cầu hóa sâu sắc hiện nay, vẫn còn nguyên giá trị, hơn thế lại có phần bức thiết. Độc lập và tự do cho dân tộc, độc lập và tự do cho nền văn hóa, độc lập và tự do cho tư duy sáng tạo, độc lập và tự do cho mọi con người, cả những người nhỏ bé nhất. Cái quyền tự do cư trú, làm việc, học tập, suy nghĩ, yêu thương đã thành một nhu cầu hàng đầu trong cuộc sống giữa thế giới phẳng. Mỗi con người có nhu cầu cấp bách và khao khát được khẳng định mình bằng tất cả vẻ đẹp trời cho, cả tinh thần và vật chất, để không bị chìm lấp trong thế giới mênh mông, không vô nghĩa trong khoảnh khắc tồn tại ở cõi trần gian vô cùng tận.
Kẻ thù của độc lập, tự do vì thế, hiện nay xuất hiện dưới nhiều khuôn mặt, nhiều phương trời, không phải chỉ là ngoại bang xâm lược như hồi nào. Kẻ thù ấy, đôi lúc còn ở trong chính mỗi con người đang khát khao vươn lên độc lập, tự do; ẩn nấp sau nỗi sợ hãi, sự lười biếng, cả những thói quen cản trở phát triển. Như khái niệm dân chủ, một khái niệm chứa đựng những giá trị vĩnh hằng của loài người trong suốt chiều dài phát triển, từng giúp dân tộc ta vượt qua nhiều thác ghềnh hiểm trở, một đảm bảo cho độc lập và tự do, ấy vậy mà không phải khi nào cũng được coi trọng.
Trong nhiều cung bậc độc lập và tự do, hiển nhiên độc lập và tự do của dân tộc ở vị trí hàng đầu. Nhưng độc lập và tự do của cá nhân, không vì thế mà không cần tôn trọng, trái lại độc lập và tự do của cá nhân là cơ sở của độc lập và tự do của dân tộc, như dân giàu thì nước mạnh. Hơn nữa, độc lập và tự do là một giá trị sống, giá trị thiêng liêng ấy của dân tộc tồn tại và phát triển phải trên sự tồn tại, phát triển độc lập và tự do của mỗi cá nhân. Sức mạnh của toàn dân tộc là sức mạnh của mọi cá nhân, không phải của một nhóm hay một tầng lớp, đảng phái. Bác Hồ từng dạy “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Những tư tưởng ngược lại sẽ làm suy yếu dân tộc, đó là kẻ thù của độc lập, tự do.
Hồi trước, Đảng Cộng sản Việt Nam trở nên vĩ đại vì đứng ở hàng đầu, không sợ hy sinh gian khổ, đấu tranh giành độc lập và tự do cho dân tộc. Nhưng hôm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đứng trước nguy cơ tồn tại hay không tồn tại, vì không còn toàn tâm toàn ý vì độc lập và tự do của dân tộc, vì độc lập và tự do cho mỗi cá nhân đang rất khao khát trong tiến trình hội nhập toàn cầu mạnh mẽ. Đảng Cộng sản Việt Nam đang có biểu hiện thiếu độc lập và tự do, nhiều đảng viên lãnh đạo Đảng thiếu độc lập và tự do.
Rất dễ thấy điều đó trong thực tiễn. Nhan nhản trong cuộc sống, cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, nghĩ một đằng nói một nẻo. Có ý kiến cho rằng, do thiếu sáng tạo, do giả dối, thậm chí do tiêu cực, nhưng nói như thế chưa đi vào gốc rễ vấn đề, cứ như đó là khiếm khuyết của cá nhân. Phải nói thẳng ra, đó là do thiếu độc lập và tự do của cả hệ thống, hầu hết đang bị khuất phục trước kẻ thù của độc lập, tự do.
Nên nhiều vị lãnh đạo cao cấp rơi vào tình thế hài hước, hôm trước còn đương chức, nói gì cũng được vỗ tay rào rào, hôm sau không còn chức thì nói chẳng ai nghe. Bởi vì, tư duy của các vị thiếu độc lập và tự do; không có gì sáng tạo, mới mẻ; khi các vị đương chức nói được vỗ tay không phải vì giá trị của lời nói mà vì quyền lực ở cái ghế ngồi; khi không có quyền lực ấy nữa, các vị nói không còn được nghe vì chẳng có giá gì cho cuộc sống cả. Đôi lúc, thấy vỗ tay rào rào, các vị hứng chí tuyên bố “có sự đồng thuận cao”, gây thêm sự tức cười.
Độc lập và tự do, có lẽ là giá trị cao quý nhất làm nên một dân tộc hùng cường, làm nên những cá nhân tỏa sáng. Giá trị ấy đã khiến loài người từ mông muội đi đến văn minh, và bây giờ càng tối cần thiết để tồn tại và phát triển trong thế giới hội nhập. Toàn cầu hóa là quá trình rũ bỏ mạnh mẽ những ràng buộc thiển cận, vụn vặt, lạc hậu, để con người có những chân trời sáng tạo không giới hạn, ngày càng độc lập và tự do khẳng định những giá trị cao cả làm người. Nên kẻ thù của tiến trình lịch sử hiện nay, kẻ thù của thời đại bây giờ, chính là kẻ thù của độc lập, tự do.
Ngày 1/5/2012
PV Q. D.
http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://boxitvn.blogspot.com/2012/05/ke-thu-cua-oc-lap-tu-do.html
***
(2) Kẻ thù nguy hiểm nhất của độc lập, tự do (Phần 2 bài Kẻ thù của độc lập, tự do)

PV Quốc Doanh

Sách có ghi, đầu thế kỷ XX, một nhà chính trị Trung Quốc là ông Lương Khải Siêu nói với cụ Phan Bội Châu: “Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ lo không có tư cách độc lập”. Kẻ thù nguy hiểm nhất của độc lập dân tộc ở trong chính mỗi công dân của dân tộc ấy. Nên đất nước có khi không còn bóng ngoại xâm mà chưa hẳn đã hoàn toàn được độc lập. Kẻ thù có nhiều, loại nào nguy hiểm nhất?
Xin sơ lược lịch sử chống ngoại xâm giành thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong gần trăm năm qua. Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, gặp được chủ nghĩa Mác – Lênin, và cách mạng Tháng Mười Nga, đã thấy: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”; “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Kế tục, ông Lê Duẩn, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: “Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”.
Con đường giải phóng dân tộc rất sáng tạo vì trước đó chưa hề có.
Sáng tạo xuất phát từ thực tiễn. Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga đã thành công. Thế giới trỗi dậy hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa hùng mạnh. Với lòng yêu nước sâu sắc, các vị khai quốc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tìm thấy sức mạnh vô song khi kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Một tầm nhìn xa trông rộng của tư duy độc lập, và thực tiễn đã chứng minh sự đúng đắn tuyệt vời.
Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để tạo thành sức mạnh đưa đất nước vượt qua các thử thách, đó là chân lý còn đúng đến hôm nay. Câu hỏi đặt ra, sức mạnh thời đại hiện nay là gì? Có còn là chủ nghĩa xã hội nữa không, khi trên thế giới hệ thống chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ, những nước vẫn đi theo con đường chủ nghĩa xã hội thì chìm sâu vào đói nghèo, lạc hậu?
Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI viết: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”. Luận điểm này thiếu căn cứ thực tiễn và lý luận. Vì lý luận đã chỉ rõ, những nước như nước ta muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải dựa vào một nước công nghiệp hiện đại, nên không thể có độc lập. “Và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc”, vậy những nước không phải chủ nghĩa xã hội sẽ không đảm bảo vững chắc độc lập dân tộc, như nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp? Kết luận thiếu căn cứ thực tiễn rất dễ trở thành hồ đồ.
Khi tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lê nin, Bác Hồ đã nói rất rõ, tìm thấy cái dân tộc ta cần để giải phóng khỏi ách ngoại xâm. Đó là công cụ cho một nhiệm vụ cụ thể của một giai đoạn lịch sử. Ông Đoàn Duy Thành, cựu Phó thủ tướng, trong tác phẩm “Một số cảm nhận về tư tưởng – hành động của Hồ Chí Minh” có viết, chưa thấy Bác Hồ khẳng định là kinh tế nước ta cần đi theo chủ nghĩa xã hội.
Con cháu bây giờ hô hào học Bác Hồ nhưng không học được cốt lõi tư tưởng Bác Hồ là độc lập, tự do. Cả hệ thống lý luận nước ta, đang tự mình ràng buộc vào một vài luận điểm hình thành và phát huy giá trị tích cực trong những điều kiện thực tiễn của quá khứ, dù bây giờ thực tiễn đã có nhiều thay đổi.
Ông G. Nê-ru của Ấn Độ viết: “Tương lai đã thay đổi, còn con người vẫn tiếp tục nghĩ về cuộc đấu tranh của mình, những thất bại của mình mà không chịu biết đến suy nghĩ của người khác”. Ông Lee Kun Hee, Chủ tịch Tập đoàn Sam Sung nói về lý do thành công: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ, con của bạn”. Tập đoàn IBM thành công cũng với nguyên tắc: “Điều duy nhất không thay đổi đó là sự thay đổi”. Còn ông Rove, chiến lược gia của Tổng thống Bush (Mỹ) nói: “Các đảng chính trị đã tự đặt dấu chấm hết cho mình, không vì một đảng khác, mà vì họ đã thất bại trong việc thích nghi với tình hình mới”.
Tình hình nước ta hiện nay, là cơ hội lớn cho Đảng Cộng sản Việt Nam tự đổi mới. Nhân dân đang ủng hộ sự đổi mới đó, đặc biệt thế hệ trẻ khao khát đổi mới và đang tự đổi mới mạnh mẽ. Nhiều thế hệ trước, phải hòa vào cộng đồng mới đổi mới được, Bác Hồ tìm đường cứu nước phải bôn ba bốn biển năm châu. Ngày nay, tuổi trẻ chỉ cần một căn phòng nhỏ có đủ tiện nghi hiện đại, thậm chí một cái máy tính xách tay nối mạng internet, là tiếp cận được những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Mỗi thay đổi trong lãnh đạo đất nước, nhanh chóng được xã hội biết tới, đón nhận. Nên không chỉ sự trì trệ trong tư duy mà trì trệ trong phương pháp truyền thông như nhiều cách mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang tiến hành (kiểu loa phường), cũng gây dị ứng cho xã hội, làm xã hội mệt mỏi.
Thời cụ Phan Bội Châu, đất nước ta yếu hèn vì “hủ nho”, quá ràng buộc vào nho giáo để tự đánh mất tư duy độc lập, tự do. Có câu “nho ơi ta bảo nho này, khăng khăng nho thế sao ra cái đời”. Lịch sự quanh co, dường như bây giờ đang lặp lại vết xe đổ đầu thế kỷ trước, đất nước yếu hèn vì “hủ Mác-Lê nin”. Nho giáo cũng như chủ nghĩa Mác-Lê nin không xấu, đó là những dấu mốc phát triển tư tưởng loài người, nhưng hậu quả xấu khi “hủ nho”, “hủ Mác-Lê nin”.
Độc lập và tự do trước hết là độc lập và tự do trong tư duy, để không ngừng sáng tạo, phát triển. Độc lập và tự do là không tự ràng buộc mình vào bất cứ cái gì cả, nhất lại là những đạo giáo, học thuyết từ bên ngoài. Nên kẻ thù nguy hiểm nhất của độc lập và tư do là sự tự ràng buộc vào bên ngoài.
Ngày 6/5/2012
Q.D.
http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://boxitvn.blogspot.com/2012/05/ke-thu-nguy-hiem-nhat-cua-oc-lap-tu-do.html
***

(3) Hậu quả tự đánh mất độc lập, tự do (Phần ba bài Kẻ thù của độc lập, tự do)

PV Quốc Doanh

Vài chục năm nay, mỗi lần Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp, lại thêm ngán ngẩm. Truyền thông nhà nước tràn ngập những bài dài, không có tranh luận. Họp mà không tranh luận là vô bổ. Chỉ thấy liệt kê ngày càng nhiều kẻ thù. Từ kẻ thù trước mắt đến kẻ thù lâu dài, từ kẻ thù cụ thể đến kẻ thù tượng tưởng, từ kẻ thù kinh tế đến kẻ thù văn hóa, kẻ thù “dân chủ”, kẻ thù “tự diễn biến”. Đổi mới là một niềm tự hào của Đảng Cộng sản ViệtNam, chẳng biết từ bao giờ cũng ẩn chứa nghi kỵ.
Trước đây, Đảng Cộng sản ViệtNamlãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm, có nhiều bạn bè, ở cả những nước đang đưa quân xâm lược nước ta. Nay đất nước không còn ngoại xâm, Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ở trong cả các vị lão thành cách mạng, trong thanh niên học sinh, trong văn chương nghệ thuật. Những giá trị nhân quyền, dân chủ, hồi nào là vũ khí đấu tranh giành độc lập và tự do của Đảng Cộng sản ViệtNamthì nay trở thành vũ khí của “kẻ thù”.
Nhìn thấy nhiều kẻ thù chứng tỏ hèn yếu, nhát gan. Các loại kẻ thù mà Đảng Cộng sản Việt Nam liệt kê, chủ yếu là kẻ thù tư tưởng, càng chứng tỏ sự hèn yếu, tư tưởng cũng không đủ cường tráng để tranh luận với những lý thuyết khác nhằm bảo vệ lý thuyết đang giương cao, phải dùng bạo lực để tiêu diệt. Đảng trở thành hay hô hào lòng căm thù, mà lòng căm thù là vũ khí có thể tạo ra chiến thắng nhưng không tạo ra hạnh phúc. Lãnh đạo kêu gọi hận thù thì không còn phù hợp trong thời đại thông tin, vì thời đại này, lãnh đạo là thu hút và hợp tác chứ không phải ra lệnh, bằng nhân từ và tài năng để thuyết phục chứ không phải trừ khử nhau.
Nhìn đâu cũng thấy kẻ thù lại phải ra sức xây dựng thành lũy, cố thủ bảo vệ cái học thuyết xưa cũ, gây lãng phí nguồn lực quốc gia kinh khủng. Một hệ thống trường chính trị từ cấp huyện trở lên cùng nhiều viện nghiên cứu, hội đồng lý luận chỉ nhằm giữ từng dấu chấm dấu phẩy của một học thuyết trong sách, hàng năm tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của dân. Trong lúc, cuộc sống mới đặt ra bao vấn đề bức thiết nhưng không còn nguồn lực để giải quyết, từ an toàn vệ sinh thực phẩm đến bảo vệ môi trường, từ học hành đến chữa bệnh, từ nhà ở đến đường sá đi lại, từ khắc phục thảm họa thiên tai đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Lãng phí lớn hơn là sức sáng tạo của dân tộc bị bóp nghẹt.
Một tỷ phú nói, chi phí lớn nhất là số tiền mà ta không kiếm được. Lãng phí ghê gớm không chỉ ở tiền bạc bị tiêu tốn mà còn ở tiền bạc không được làm ra, khi phải tập trung nhiều nguồn lực cho một nền lý luận tuyên giáo. Nhà văn Na-Uy Jostein Gaarder viết rằng: “Triết học bắt đầu khi con người nghi ngờ về các giá trị được xem là nghiễm nhiên”. Hệ thống lý luận tuyên giáo của ta không có may mảy giá trị triết học, phần nào còn làm tiêu tan tài nguyên chính trị.
Tư duy bắt chước nhau, trên dưới một giọng điệu, lại không phải chịu trách nhiệm về lời nói. Sự vô trách nhiệm từ đó lan tràn cả hệ thống, trở thành bản chất của hệ thống. Như chủ trương xây dựng doanh nghiệp nhà nước thành động lực gì đấy nhưng khi doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát lớn tài sản, không cá nhân nào chịu trách nhiệm; nói vì dân nhưng dùng vũ lực đàn áp dân rất tàn bạo cũng không sợ trách nhiệm.
Hệ thống vô trách nhiệm, mở đường cho đủ thứ cơ hội nổi lên. Lôi bè kết cánh, cha truyền con nối, xây dựng nên một đội ngũ lãnh đạo bị dân khinh rẻ vì vô đạo đức, hoặc căm giận vì độc ác. Vô trách nhiệm sinh ra “hôn quân”, chưa có hệ thống ràng buộc trách nhiệm của chính quyền để giải quyết, chỉ hô hào giải quyết bằng tình cảm, đạo đức nên tình hình càng vô vọng. Tiếng động ầm ầm sụp lở nền móng diễn ra, càng hốt hoảng lo sợ, quẫn trí đánh thẳng vào dân chúng như các vụ Tiên Lãnh, Văn Giang, Vũ Bản mới đây.
Có một cơ hội bước qua những khác biệt về tư tưởng để đoàn kết dân tộc, đó là khi đứng trước nguy cơ ngoại xâm. Ở đây, Đảng Cộng sản ViệtNamcũng lại mắc kẹt vào ý thức hệ. Trong lịch sử nhân loại, chưa có dẫn chứng về nền độc lập và tự do của dân tộc được bảo vệ nhờ ý thức hệ. Ngược lại, có vô vàn cuộc chiến tranh lớn nhỏ xảy ra giữa các quốc gia có cùng ý thức hệ, từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến nay. Có một thời khắc ngắn ngủi của lịch sử, hai cuộc chiến tranh giải phóng của dân tộc ta vừa qua, được phe chủ nghĩa xã hội giúp đỡ khá chí tình chí nghĩa. Nhưng không hoàn toàn vì ViệtNam, mà còn vì uy tín của họ trên trường quốc tế, một số nước muốn củng cố vị thế lãnh đạo hệ thống chủ nghĩa xã hội hoặc “thế giới thứ ba”. Nay ý thức hệ không còn có những lợi ích đó làm động lực cho sự giúp đỡ nữa. Nhà tư tưởng của Nhật Bản, ông Fukuzawa Yukichi có viết: “Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ, nông cạn, vô trách nhiệm”.
Thiên nhiên bền vững khi giữ được sự đa dạng sinh học, muôn loài tồn tại cân bằng. Chân lý này chẳng phải tranh cãi. Mất sự đa dạng sinh học, bùng phát sinh vật ngoại lai thì rất nguy hiểm. Xã hội con người cũng vậy, cần sự đa dạng để cân bằng, từ kinh tế đến văn hóa, từ giáo dục đến khoa học, từ tôn giáo đến nghệ thuật, cả tư tưởng. Lĩnh vực nào có ngoại lai xâm hại đều nguy hiểm. Lại dùng sức mạnh để trừ khử sinh vật bản địa, cho sinh vật ngoại lai thống trị thì vô cùng nguy hiểm.
Einstein nói: “Phá vỡ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ một nguyên tử”, thì Các-Mác cũng nói: “Một khi nảy sinh nhu cầu mới thì trong lòng cuộc sống thực đã có điều kiện vật chất để thỏa mãn nó”. Vài nghìn năm xa hơn, nhà triết học Socrates viết: “Sự cực đoan bao giờ cũng tạo ra sự cực đoan ngược lại. Thời tiết cũng thế, thân thể ta cũng thế, nhà nước, quốc gia đều thế cả”. Hậu quả đối chọi cực đoan là đổ vỡ.
Ngày 9/5/2012
P.V Q.D.
http://www.boxitvn.net/bai/36690
***
Bùi Công Tự-ĐI TÌM SỰ THẬT, NÓI LÊN SỰ THẬT

Bài viết của tôi hôm nay được gợi ý từ vụ việc hai nhà báo của VOV là Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long bị những người mặc sắc phục công an và những người đeo băng đỏ hành hung tại Văn Giang (24/4/2012). Sự việc ô nhục này nếu không nhờ có những người “đi tìm sự thật” và “nói lên sự thật” thì nó mãi mãi chìm vào im lặng, những kẻ như Nguyễn Khắc Hào (PCT UBND tỉnh Hưng Yên) sẽ được thể vênh vang cái mặt chuẩn bị cho những trận cưỡng chế đất đai khác.

Khi xem đoạn video quay cảnh lực lượng cưỡng chế đánh đập tàn bạo hai người đàn ông mặc áo trắng, đội mũ bảo hiểm màu trắng, ai cũng nhận thấy hai người này hoàn toàn không có hành vi “chống người thi hành công vụ”. Lương tâm thật bất an trước hành động có thể gọi là chống lại loài người giữa thanh thiên bạch nhật, ở một đất nước được nhận định là “dân chủ gấp vạn lần” thế giới tự do. Thế nhưng sau đó chỉ có một số ít người “đi tìm sự thật” đến cùng, xem hai người đàn ông vô tội bị đánh đập ấy họ là ai, tình trạng sức khỏe của họ hiện nay thế nào? Việc tố cáo tội ác sẽ hiệu quả hơn rất nhiều nếu tìm ra đầy đủ sự thật, làm rõ những ngóc ngách của sự thật.

Rất nhiều người biết rõ sự thật vụ việc trên (những người bắt giữ ông Ngọc Năm, những cán bộ VKS huyện Văn Giang nơi ông Ngọc Năm bị còng tay dẫn đến, chính quyền tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo đài VOV, Hội nhà báo Việt Nam …) nhưng họ đã che giấu sự thật hoặc xuyên tạc sự thật. Bởi chính họ là tội đồ hoặc là người đi làm thuê cho chính quyền và doanh nghiệp, họ thiếu lòng tự trọng, thiếu ý thức về công lý.

Đáng thương nhất là hai người bị hành hung, ông Ngọc Năm và ông Phi Long, cũng không dám lên tiếng. Lẽ ra hai ông này phải giận dữ lên tiếng ngay lập tức. Ông Ngọc Năm còn là nhà báo loại cỡ cơ mà. Mãi khi sự thật bị phanh phui các nạn nhân mới dám rụt rè xác nhận. Thương thay mà cũng buồn thay!

Những người đầu tiên tìm ra sự thật vụ này là các nhà báo của BBC. Đơn giản là họ được tự do hành nghề, không ai bịt miệng họ. Vì sao BBC biết sự thật? Chắc chắn là có những người Việt Nam cung cáp thông tin cho họ. Trên một đất nước nhỏ bé nhưng có tới 700 cơ quan báo chí chính thống mà nhân dân chỉ được biết một sự thật qua báo chí nước ngoài! Cũng nhờ BBC mà ông Ngọc Năm có cơ hội nói được đôi điều, qua trả lời phỏng vấn, xác nhận sự thật tội ác dù chưa dám lên án nó.

Sau BBC có một người nữa “đi tìm sự thật” và “nói lên sự thật”. Đó là GS. VS Hoàng Xuân Phú. Ông viết: “Song đợi mãi không thấy tăm hơi, tôi đành phải cất công tìm kiếm và cuối cùng cũng tìm thấy”. Sự thật mà GS Hoàng Xuân Phú tìm thấy là mặc dù bị đánh đập, bị hạ nhục, mà chỉ hai ngày sau ông Trưởng phòng Thời sự – Chính trị – Kinh tế Đài Tiếng nói Việt Nam – nhà báo Ngọc Năm – vẫn đủ nhẫn để viết được bài báo có nội dung bảo vệ việc cưỡng chế (gồm cả việc đánh đập người lương thiện bị giấu nhẹm) của chính quyền tỉnh Hưng Yên là “theo đúng quy định của pháp luật”.

Ông Hoàng Xuân Phú kết luận: “Hãy để lương tâm lên tiếng một lần!”

Không! Thưa GS, ở đất nước này lương tâm cần lên tiếng vạn lần, triệu lần! Bởi có rất nhiều sự thật bị che giấu trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Vì vậy nhiều tội ác đã không bị phanh phui, nhiều sai lầm đã không được xin lỗi. Trong khi nhiều người chính trực bị oan khuất thì những kẻ tội đồ do không bị vạch mặt vẫn sống nhởn nhơ, có khi còn được vinh danh.

Do động cơ yêu chuộng sự thật, yêu chuộng công lý mà nhiều người đã tự “đi tìm sự thật” để làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử hoặc công khai những bí mật mà mình được biết. Ví dụ trường hợp GS Phan Huy Lê đã xác nhận “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” là không có thật, chỉ là một “sáng tác” của nhà sử học Trần Huy Liệu nhằm động viên tinh thần kháng chiến của nhân dân. Tuy nhiên những việc làm như vậy chưa được bao nhiêu. Nhà nước cần nhận thức rõ đây là trách nhiệm trước lịch sử mà giao nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu làm rõ nhiều sự việc còn “mờ ảo” của quá khứ.

Đã đến lúc cần mở toang các kho lưu trữ tài liệu để các nhà khoa học vào nghiên cứu nhằm bạch hóa lịch sử, kể cả những tài liệu tình báo trước vài thập kỷ.

Đối với công cuộc chống tham nhũng thì việc tìm ra sự thật, công khai sự thật là đòi hỏi tiên quyết. Vai trò của các cơ quan nhà nước như thanh tra, công an, VKS, tòa án, kiểm toán và hoạt động của các luật sư là vô cùng quan trọng để tìm ra sự thật. Pháp luật cần có những quy định bảo đảm cho các cơ quan nói trên hoạt động độc lập, hiệu quả. Công việc này hơn đâu hết đòi hỏi phải có những người liêm chính, chí công vô tư, biết giữ bàn tay sạch (khó thay!).

Vai trò của báo chí và sự tố giác của nhân dân cũng là vũ khí sắc bén công khai sự thật. Nhưng đòi hỏi phải có tự do ngôn luận, tự do báo chí và cơ chế bảo vệ người tố giác.

Những sự thật về tham nhũng cần phanh phui một cách chi tiết các thủ đoạn, sự câu kết của nhóm lợi ích, sự chia chác, bảo kê cho tham nhũng, v..v..

Chính quyền nào công khai sự thật thì sẽ được nhân dân tin cậy, ủng hộ.

Cuối cùng, người viết xin tặng bạn đọc lời khích lệ dưới đây của văn hào Pháp Voltaire (1694-1778):

“Hãy đứng thẳng, nêu lên quan điểm của mình và can đảm nói rõ sự thật cho tất cả mọi người, ở mọi nơi. Người ta chỉ sống khi dám làm điều đó!”

Nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2012/05/bui-cong-tu-i-tim-su-that-noi-len-su.html

1 bình luận »

  1. Kính gửi Anh Tụ
    Em là một người từ lâu ngưỡng mộ anh, đặc biệt khi được biết anh từng giảng dạy ở một trong những trường đại học hàng đầu sứ Bắc kỳ nơi em từng học tập. Khi một số thày có nói về anh. Thật cảm phục về trí tuệ và sự dấn thân của anh.
    Em một người từng là cựu sinh viên tại ngôi trường anh đã từng giảng dạy

    Bình luận bởi cựu sinh vien DHDK — 11/04/2013 @ 10:59 chiều | Trả lời


RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này