Hoàngquang’s Blog

16/04/2012

Chỉnh đốn Đảng phải sửa các “lỗi hệ thống”

Đại tá – nhà báo Nguyễn Phúc Lành
Giáo sư Tiến sĩ Kinh tế NGUYỄN PHÚC LIÊN, MUỐN DIỆT THAM, CỨU KINH TẾ ĐẤT NƯỚC PHẢI CẢI TỔ MÔ HÌNH KINH TẾ HIỆN HÀNH
Trần Kinh nghị Đằng sau vấn nạn ách tắc giao thông của Thủ đô Hà Nội
Vũ Hoàng, phóng viên RFA Việt Nam đang hụt hơi? Phạm Dũng (tin-ảnh) Blogger Điếu Cày sắp ra tòa vì chống phá Nhà nước Nguyễn Ngọc Già – Kết án theo điều 88 mãi vi phạm quyền tự do ngôn luận!

***

Đại tá – nhà báo Nguyễn Phúc Lành Chỉnh đốn Đảng phải sửa các “lỗi hệ thống”
Việc TƯ ra nghị quyết 04 và chỉ thị 15 của BCT “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng” đã đáp ứng lòng mong mỏi của các Đảng viên, nhất là đảng viên lâu năm. Nhưng còn nhiều vấn đề đáng bàn để nghị quyết thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Tôi xin nêu mấy ý kiến về nguyên nhân và giải pháp, mong được trao đổi rộng rãi.

I.Nguyên nhân:
Sự thật là Đảng đã hiểu sai và làm sai với khái niệm về “đảng cầm quyền”, đã để Đảng đứng trên dân tộc và nhân dân, những biểu hiện tình trạng đó như sau:
1- Đã tạo ra một hệ thống chính trị lạm quyền, lộng quyền, chuyên quyền, cường quyền, độc quyền, đặc quyền đặc lợi…Ví dụ: Bộ Chính trị lại quyết định phá hội trường Ba Đình là trụ sở của Quốc hội; hoặc như vụ cưỡng chế đất đai ở Hải phòng, lại là ông Thành, Bí thư Thành ủy đứng ra giải quyết cả các sai phạm về dân sự, hình sự…
2- Đảng tự coi là siêu chính phủ, siêu quốc hội: Những việc như sinh đẻ có kế hoạch, chống AIDS, xây dựng văn hóa giao thông, khen thưởng cấp nhà nước … thì lại do Ban Bí thư ra chỉ thị.
Trên thế giới, mỗi nước có một nguyên thủ quốc gia nhưng ở VN thì có 4 nguyên thủ (Chủ Tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng), trong đó Tổng bí thư có quyền cao nhất, đi nước ngoài tự quyền ký hiệp định với nhiều điều khoản lợi người hại ta. Về nhân sự cấp cao thì Đảng đã chỉ định ai làm chủ tịch nước, ai làm chủ tịch quốc hội, nhưng quốc hội thì sáu tháng sau mới tiến hành “bầu ra”các nhân sự đó.
3- Quan hệ giữa Đảng và nhân dân hiện nay là quan hệ giữa chủ và tớ, thống trị và bị trị: ngày 26-3-2012, ông Cường, báo cáo viên của Ban Tuyên huấn TƯ đến nói chuyện ở CLB Thăng Long có nói: Đảng ta coi nhân dân như củ khoai tây, đã khiến các cụ ngồi nghe phải phản ứng. Vậy ông Cường nói có sự chỉ đạo nào của “trên” không?
Còn người nông dân VN,cách đây 80 năm khi đi theo Đảng, họ được Đảng nêu khẩu hiệu hứa hẹn “người cày có ruộng”, vậy mà đến nay, người nông dân vẫn là người làm thuê có thời hạn (20 năm). Hơn nữa đất thuê có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào, lúc khiếu kiện thì công an xua đuổi, bắt bớ… Dân mất đất, vô nghề nghiệp kéo nhau ra thành phố tìm việc thì vẫn là kiếp làm thuê…
Người công nhân làm thuê cho chủ tư bản nước ngoài bị áp, bức bóc lột nặng nề, họ đấu tranh với chủ, không những Đảng ta không bênh vực, lại còn cho công an bắt bớ giam cầm (mới đây nhất: anh kỹ sư Lê Văn Tạch phát đơn kiện Toyota Việt Nam đưa ra bán cho dân VN những xe có lỗi kỹ thuật, mất an toàn. Tòa án của Đảng đã không xem xét lỗi của phía Toyota mà đã kết luận anh Tạch “làm phiền” tổng giám đốc Toyota và xử anh Lê Văn Tạch thua kiện).
Người trí thức có đầu óc suy nghĩ độc lập (tiêu biểu như các vị Hoàng Tụy, Nguyễn quang A, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Trung, Nguyễn Huệ Chi, Nguyên Ngọc…) hễ cứ có ý kiến nào khác với “trên” là bị liệt vào hạng “phản động” hoặc là “bị thế lực thù địch lợi dụng”. Ông Nguyễn Văn Hưởng, thượng tướng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, nay là cố vấn cho thủ tướng đã nói thẳng “phản biện là phản động”(! ?).
Một vấn đề hết sức bức xúc là: nhân dân phản đối TQ xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc ma, bắn giết ngư dân, cắt cáp tàu ta…thì công an “nhân dân” lại bắt bớ, đánh đập, giam hãm, vu cáo là theo “thế lực thù địch” và gây rối trật tự (trong khi không có bất kỳ bằng chứng nào đáng gọi là “gây rối”). Vậy “thanh bảo kiếm của Đảng” đứng về phía nhân dân hay đứng về phía Trung Quốc, kẻ đã trắng trợn đưa ra dã tâm độc chiếm biển Đông?
4- Đảng càng nắm quyền thì bộ máy càng gia đình trị (dân ta đã khái quát bằng công thức 5C: con cháu các cụ cả), cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu lực, chạy chức chạy quyền…Càng cố kết quyền lực tuyệt đối thì càng tham nhũng tuyệt đối, nên càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, càng nặng. Càng cải cách hành chính thì càng hành là chính một cách tinh vi khắc nghiệt hơn. Hậu quả là khoảng cách giàu nghèo càng rộng càng xa.
5- Càng nắm quyền lực thì càng độc quyền: độc quyền kinh tế (mệnh lệnh cho lãi suất ngân hàng, độc quyền quản lý vàng, độc quyền điều hành tập đoàn siêu lớn, độc quyền điện nước xăng dầu…); độc quyền văn hóa xã hội: độc quyền thông tin, độc quyền ngôn luận, độc quyền báo chí, thậm chí độc quyền yêu nước, độc diễn trong bầu cử các chức vụ tối cao. Ngay trong nội bộ Đảng cũng thể hiện rõ sự độc đoán thông qua 19 điều cấm đảng viên (mà trong đó có những điều vi phạm Hiến pháp, vi phạm Điều lệ Đảng). Có đảng viên đã cay đắng nói rằng: Đảng ta đã biến đảng viên thành tín đồ chỉ biết tụng kinh cầu nguyện, trên đầu lúc nào cũng có vòng kim cô (trừ các lãnh đạo các cấp của đảng).
Một số tình hình không bình thường nói trên cho thấy rõ là đến nay Đảng đã tự tha hóa, tự chuyển hóa để chỉ còn phục vụ cho một nhóm lợi ích. Đảng đã tự đánh mất mình, tự mất tín nhiệm trước nhân dân, trước dân tộc, hoàn toàn không phải do thế lực thù địch nào chống phá.
Dưới đây, xin đưa ra một số giải pháp, mong muốn Đảng thật sự chỉnh đốn để thực hiện di chúc của Bác Hồ: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
II. Giải pháp
1- Phát động toàn dân xây dựng Đảng: ngày nay, chỉ cần các vị lãnh đạo của Đảng chịu khó vi hành ra các chợ, quán xá bình dân hoặc nơi đỗ xe ôm, xe tắc-xi, lân la hỏi chuyện thì dân sẽ nói ngay ông Tấn Dũng có nhà thờ họ ở Kiên Giang hoành tráng thế nào, ông Sinh Hùng có mấy biệt thự, cổng nhà Bí thư Thành ủy Hải Phòng thế nào, quan to nào có con đi học bên Tây… Không thể cấm tiệt các mạng Internet, điện thoại di động, đài báo nước ngoài loan những tin đó, nên nhiều việc động trời trong cung cấm dù có muốn giấu cũng không thể giấu được với người dân. Tất nhiên, những người dân tốt, những đảng viên, cán bộ (nhất là cán bộ về hưu) đều nóng lòng, sốt ruột muốn xây dựng góp ý với Đảng chứ đâu muốn nói lung tung. Nhưng muốn nhân dân thực sự đóng góp ý kiến thì phải có một số tiền đề:
+ Cấp trên phải công khai nói thật, nói hết các vấn đề tồn tại của bản thân, của Đảng bộ mình. Thực hiện đúng câu “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
+ Phải bảo vệ người dân nói thật, nói thẳng, không dọa nạt, khống chế, trả thù.
+ Có định kỳ để nhân dân góp ý kiến phê bình, chất vấn, gắn dân với Đảng, Đảng với dân.
2- Ban hành luật về lãnh đạo của Đảng: Trong thời đại nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức xã hội đều đã có luật, vậy không có lý gì Đảng cầm quyền hoạt động mà không được điều chỉnh bằng luật.
Theo tôi, luật về đảng cần có mấy vấn đề quan trọng căn bản như sau :
a/ Quan hệ với nhân dân (thông qua tổ chức Mặt trận):
Nên tách Mặt trận Tổ quốc thành một khối riêng vì Mặt trận là trung tâm của các tầng lớp không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, sắc tộc, trong ngoài nước…thay mặt nhân dân tham gia công việc của nhà nước, tương đối độc lập. Chủ tịch Mặt trận không nhất thiết là ủy viên TƯ Đảng, tốt nhất là một nhân sỹ có uy tín. Mặt trận có quyền phản biện, có quyền giám sát v.v… để đề cao vai trò của nhân dân. Mặt trận là đại diện của toàn dân nên Đảng là một bộ phận trong Mặt trận, cùng phối hợp với Mặt trận phát huy mọi trí tuệ, sức lực của toàn dân cho mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng văn minh…
Mọi tổ chức của Đảng phải bảo đảm quyền dân chủ thực sự của dân đã ghi trong Hiến pháp; mọi chủ trương chính sách phải tranh thủ ý kiến của dân thông qua các hội quần chúng rộng rãi, khi cần có thể trưng cầu dân ý hoặc họp kiểu Hội nghị Diên Hồng…
Đổi mới luật bầu cử để thực hiện “dân cử, dân chịu trách nhiệm”, tránh kiểu “Đảng cử dân bầu”, hiệp thương hình thức. Cần tổ chức cho dân trực tiếp bầu Chủ tịch nước.
Giải quyết mâu thuẫn chính quyền và nhân dân, tuyệt đối không coi dân là địch để tiến hành đàn áp bắt bớ trái luật. Phải nói rõ trách nhiệm cá nhân về các chủ trương, mệnh lệnh trong khi giải quyết các sự cố chính trị.
b/ Quan hệ với Quốc hội:
Tạo cơ chế để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất, không phải là tổ chức ‘vỗ tay’ theo mọi sự ‘chỉ tay’ của Đảng. Cần tăng tỉ lệ ứng viên đại biểu quốc hội do các hội quần chúng, các tổ chức xã hội dân sự giới thiệu, không đòi hỏi Đảng viên phải chiếm tuyệt đại đa số trong quốc hội như hiện nay, để quốc hội thực sự là đại diện cho gần 90 triệu nhân dân.
c/ Quan hệ với Nhà nước pháp quyền:
Trong tổ chức Nhà nước pháp quyền có 2 bộ phận:
+ Bộ máy Nhà nước.
+ Các tổ chức xã hội dân sự.
Bộ máy Nhà nước: cần tinh giản gọn nhẹ, tuyển dụng công chức nhất thiết phải thông qua các cuộc thi chặt chẽ để tránh chạy chức chạy quyền. Quy định chức năng trách nhiệm rõ ràng công khai cho từng chức danh. Làm rõ trách nhiệm quyền hạn, ranh giới giữa bộ máy Đảng và Nhà nước, chống hiện tượng Đảng lấn sân bao biện theo lối ‘siêu chính phủ’.
Phó thủ tướng, bộ trưởng một số bộ không nhất thiết là đảng viên.
Các tổ chức xã hội dân sự: Cần để người dân được tự đứng ra lập các tổ chức với nguồn lực tự thân để giải quyết các nhu cầu của cộng đồng mà Nhà nước vì bận quá nhiều việc, phải giải quyết quá nhiều việc lớn quan trọng nên không quan tâm được hết. Nhà nước chỉ cần quản lý sao cho các tổ chức xã hội dân sự hoạt động không trái Hiến pháp, pháp luật. Không bắt buộc thành viên các tổ chức xã hội dân sự phải là Đảng viên. Đảng không nên kì thị, định kiến, ngăn cản việc thành lập các tổ chức đó, thêm nữa phải lắng nghe các tổ chức đó phản ánh những thông tin, những tín hiệu phê phán những chính sách không phù hợp thực tế và bất lợi cho cộng đồng (Hiện nay, số cán bộ về hưu khá đông, còn có sức khỏe, có trình độ, có tâm huyết, rất thuận cho sự ra đời và phát triển của xã hội dân sự).
3- Đổi mới Hiến pháp: Cần hết sức tránh ‘ám ảnh’ rằng Hiến pháp là công cụ của nhà cầm quyền, nhất là của đảng cầm quyền, chỉ có người dân mới phải tuân thủ Hiến pháp…Cần mạnh dạn sửa đổi những bất hợp lý trong Hiến pháp, ví dụ như quy định không công nhận quyền sở hữu đất của tư nhân. Quy định đó đã gây nhiều cản trở cho phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân một thời gian dài, hiện cũng đang gây bất ổn trong xã hội.
4- Sửa đổi Điều lệ Đảng:
+ Quy định rõ hoạt động chất vấn thành một điều trong nhiệm vụ đảng viên.
+ Tổ chức cho đại hội Đảng trực tiếp bầu Tổng bí thư.
+ Tổ chức cho đại hội trực tiếp bầu Ủy ban kiểm tra, quy định quyền hạn Ủy ban kiểm tra ngang với Ban CHTW để có đủ thẩm quyền kiểm tra từ Tổng bí thư đến các tổ chức Đảng các cấp.
+ Thêm điều khoản về bắt buộc công khai tài chính vào chương 11 .v.v..
Mong muốn thiết tha của tôi là làm sao qua chỉnh đốn lần này, Đảng sẽ trở lại chính mình, trở lại là Đảng đích thực của chủ tịch Hồ Chí Minh, không còn một bộ phận “không nhỏ”nào chạy theo quyền lực, lợi lộc riêng để đối đầu với nhân dân; không còn bộ phận nào bán rẻ đất nước, bán rẻ lợi ích chính đáng của dân tộc, và để bản thân tôi không còn phải xấu hổ với người xung quanh vì mình là đảng viên.

896. Chỉnh đốn Đảng phải sửa các “lỗi hệ thống”


***

Giáo sư Tiến sĩ Kinh tế NGUYỄN PHÚC LIÊN-MUỐN DIỆT THAM, CỨU KINH TẾ ĐẤT NƯỚC PHẢI CẢI TỔ MÔ HÌNH KINH TẾ HIỆN HÀNH

Trong những tuần gần đây, Oang Robert ZOELLICK, Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới, họp báo tại Bắc Kinh và nhấn mạnh về việc Trung quốc đang gặp phải một khúc quặt trên đường phát triển Kinh tế khiến việc cải cách tận gốc là một đòi buộc không thể tránh né. “La Chine a atteint un tournant dans son développement économique et va devoir mettre en oeuvre de profondes réformes, avec un rythme de croissance qui va diminuer de moitié en 20 ans, ont estimé lundi des experts de la Banque mondiale et du gouvernement. La nécessité de réformes est indiscutable parce que la Chine est désormais à un tournant de son développement” (Trung quốc tiến đến một khúc ngoặt trong việc phát triển Kinh tế và sẽ buộc phải thực hiện những cải cách tận chiều sâu, với một đà phát triển sẽ thụt xuống phân nửa trong 20 năm, những chuyên viên của World Bank và của Chính phủ ước tính như vậy ngày thứ Hai mới đây. Sự cần thiết của những cải cách là điều không thể chối cãi bởi vì hiện giờ Trung quốc đang gặp khúc ngoặt trong việc phát triển của mình).
Cải cách tận gốc ở đây là cái gì ? Cái gốc, căn nguyên, làm hại Kinh tế, đó là THAM NHŨNG phát sinh và hoành hành trong Mô Hình Chính trị độc tài nắm trọn quyền Kinh tế.

Mô hình Kinh tế-Chính trị Trung quốc, “ông thầy” của Mô hình Kinh tế-Chính trị Việt Nam

Lời nói của Oâng Robert ZOELLICK cũng là lời áp dụng cho Việt Nam, rập theo đúng Mô hình Kinh tế-Chính trị Trung quốc. Tại Trung quốc, chính những Lãnh đạo tối cao của Mô hình Kinh tế-Chính trị đã phải nói huỵch toẹt ra cái căn nguyên làm tụt giốc Kinh tế là THAM NHŨNG.
Thực vậy, cách đây hai năm, ngày 14.03.2010, Thủ tướng ÔN GIA BẢO, trước Quốc Hội Trung quốc họp ngày 14.03.2010, On Gia Bảo tuyên bố: “L’inflation, plus une redistribution inéquitable des revenus et la corruption pourraient affecter la stabilité sociale et même la stabilité du gouvernement”

(Lạm phát, thêm vào đó là một sự phân phối không đồng đều những thu nhập và tham nhũng có thể tác hại đến sự ổn định xã hội và ngay cả đến sự ổn định nhà nước” </em (Le Monde 16.03.2010, trang 16).
Năm nay, 2012, theo Bản Tin của TÚ ANH (RFI), REUTERS/Jason Lee, thì Thủ tướng ÔN GIA BẢO lại công kích nặng về căn nguyên THAM NHŨNG:
“Thủ tướng Trung Quốc cảnh báo tham nhũng có thể làm sụp chế độ. Nạn tham nhũng có thể làm lung lay nền tảng và thay đổi bản chất chính trị của chế độ Trung Quốc. Trên đây là lời cảnh báo của thủ tướng Ôn Gia Bảo tại Quốc vụ viện vào lúc hai nhân vật cao cấp nhất của chế độ sắp kết thúc hai nhiệm kỳ lãnh đạo.”

Ngay TẬP CẨM BÌNH, người sẽ lên nắm giữ quyền hành và Mô hình Kinh tế-Chính trị Trung quốc, đã cùng một nhận định với ÔN GIA BẢO về THAM NHŨNG. Thực vậy, cũng theo Bản Tin của TÚ ANH (RFI), REUTERS/Jason Lee:
“Tập Cận Bình: Đảng Cộng sản Trung Quốc là nơi tập trung mọi thối nát. Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định là nhân dân Trung Quốc gần như mất hết tin tưởng vào đảng Cộng sản. Lời tuyên bố này mới được công bố hôm nay 16/03/2012 trong bối cảnh tranh giành quyền lực ở cấp thượng tầng cùng lúc với lời cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về nguy cơ xảy ra một vụ « Cách mạng văn hóa » như trong thập niên 60.

Theo tuyên bố của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì đảng Cộng Sản mà ông sắp lên lãnh đạo vào vào tháng tới đây chỉ là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm cần phải được « trong sạch hóa ».
Những tệ nạn trong đảng cầm quyền suốt hơn 63 năm tại Trung Quốc là « thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp đảng viên » với những mức độ khác nhau và làm mất uy tín trong dân chúng.
Bài phát biểu của lãnh đạo tương lai Trung Quốc được trình bày tại Trường Đảng hồi đầu tháng Ba và mới được công bố hôm nay trên báo đảng Cầu Thị, một ngày sau khi xảy ra vụ thanh trừng cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, thế hệ «hoàng tử đỏ».
Theo AFP, vào lúc tất cả những chức vụ quan trọng tại Trung Quốc, từ cấp thấp nhất đến cấp lãnh đạo, từ trong chính quyền đến lãnh vực kinh tế, xí nghiệp, đều nằm trong tay đảng viên, ông Tập Cận Bình lo ngại rằng đảng Cộng sản đã biến thành nơi chia chác đỉnh chung. Vào đảng là để có cơ hội vinh thân phì gia, chứ không phải vì lý tưởng hay mục đích cao đẹp phụng sự đất nước và nhân dân “.</em

Mô Hình Kinh tế-Chính trị Việt Nam rập theo nguyên vẹn mô hình Kinh tế-Chính trị Trung quốc.

Ông NGUYỄN TẤN DŨNG, đứng đầu Ủy Ban Chống THAM NHŨNG, đã làm được gì đối với cái căn nguyên đang làm tụt giốc Kinh tế Việt Nam. Ông Nguyễn Tấn Dũng không có can đảm như những Sư phụ của mình, ÔN GIA BẢO & TẬP CẨM BÌNH, nói toạc ra cho Dân chúng biết cái THAM NHŨNG bất trị phát sinh từ chính Cơ chế CSVN. Ông Nguyễn Tấn Dũng, trước THAM NHŨNG bị bại lộ, chỉ tìm cách thoa dầu cù là với Dân, mà không thành thực đi vào căn nguyên của tụt giốc Kinh tế là do THAM NHŨNG. Vụ VINASHIN là tỉ dụ điển hình.

Mới đây, trước thảm trạng suy thoái Kinh tế, các Xí nghiệp phá sản, Ông Nguyễn Tấn Dũng còn bầy vẽ mời họp những chuyên gia để hỏi ý kiến.
“Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa có cuộc họp thường niên lần thứ nhất trong năm, hôm Chủ Nhật 25/3/2012 với hơn 30 chuyên gia, cố vấn kinh tế trong và ngoài nước nhằm tham vấn chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một trong các khách mời tại buổi làm việc với Thủ tướng cho BBC biết chi tiết về những vấn đề chính được trao đổi trong cuộc tham vấn này, đặc biệt là phản ứng, kiến nghị của các chuyên gia xung quanh các chỉ tiêu và lời hứa đưa ra trong việc bình ổn nền kinh tế của Chính phủ.
“Trong một nền kinh tế mà động lực là doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp phải đối mặt với phá sản hay giải thể thì làm sao đạt được con số như Chính phủ đề ra,” ông Thành bình luận về mức dự phóng tăng trưởng mà ông nói đã được Thủ tướng dự kiến lên tới 5,5%-6% vào cuối năm nay, tại cuộc họp.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/03/120326_vn_pm_ngtandung_meeting.shtml
http://phamvietdao2.blogspot.com/2012/04/muon-diet-tham-cuu-kinh-te-at-nuoc-phai.html#more

Trần Kinh nghị -Đằng sau vấn nạn ách tắc giao thông của Thủ đô Hà Nội

Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chủ đề ách tắc giao thông của thủ đô Hà Nội. Xem ra, mọi ý kiến đều đúng. Song có một nguyên nhân ít được đề cập, đó là sự thiếu đồng bộ và bất hợp lý trong quy hoạch phát triển kinh tế, quốc phòng trên quy mô quốc gia tuy là nguyên nhân nguyên nhân gián tiếp nhưng đã và đang tạo nên áp lực dân số nghiêm trọng không thể cứu vãn của thủ đô Hà Nội. Nạn ách tắc giao thông của Hà Nội chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Đó là vấn đề hoạch định chính sách tổng thể ở cấp độ quốc gia.

Khai thác du lịch thác Bản Dốc từ phía VN

Nếu ai có dịp đến các tỉnh biên giới phía Bắc sẽ thấy một sự mất cân đối trong cơ cấu dân số rất đáng báo động. Tỉ lệ dân số tại đây vốn đã thấp nhất so với toàn quốc lại ngày càng giảm thấp hơn khi dân địa phương di chuyển về miền xuôi và vào các tỉnh Tây nguyên và phía nam. Sự ra đi của họ để lại những vùng đất trống rất đáng suy nghĩ, nhất là trong “thế trận an ninh quốc phòng” (như vẫn được đề cập trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước). Bất cứ ai từng một lần đến thăm vùng biên giới phía Bắc, ngay tại hai bên các cửa khẩu lớn như Lào Cai, Lạng Sơn , Móng Cái đều kinh ngạc trước cảnh tương phản rõ rệt giữa hai bên đường biên. Trong khi ngày càng xuất hiện nhiều cụm dân cư, thị trấn và thành phố của người Trung Quốc “áp sát” đường biên thì bên phía Việt Nam phần lớn là cảnh tiêu điều vắng vẽ, lạc hậu. Gần đây nhiều người thăm thác Bản Dốc đã phải thốt lên rằng “sắp mất hết cả thác rồi!”. Tại vùng Móng Cái và sông Bắc Luân người Việt Nam thậm chí còn không được vào một số khu vực vốn thuộc lãnh thổ Việt Nam . Trên toàn tuyến đường biên phía Việt Nam dân cư rất thưa thớt như thể “mời chào” trước dòng dân cư đông đúc đang chờ sẵn từ bên kia biên giới.

Cổng vào tham quan Thác Bản Dốc từ phía Trung Quốc
(trái)& Đoạn biên giới sông Quây Sơn: bên VN trâu đang gặm cỏ, bên TQ là khu liên hợp khách sạn (phải)


Một số thị trấn hoặc thành phố có thế mạnh về du lịch, thương mại và nông lâm nghiệp như Lào Cai , Lạng Sơn, Móng Cái …vẫn chậm phát triển, tồn tại như những ốc đảo tách biệt không được kết nối với nhau để tạo thành thế mạnh tổng hợp cấp vùng đủ sức khai thác tốt nhất các nguồn lực tại chỗ đồng thời thu hút đầu tư từ bên ngoài. Trong số nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính là do không được chú ý đầu tư đúng mức từ Trung ương. Lý do có nhiều, trong đó có tâm lý coi thường tiềm năng của các vùng sâu vùng xa – nơi chỉ xứng đáng để nhận của bố thí từ trung ương! Các nhà hoạch định chiến lược của đất nước dường như cũng không tiếp thu bài học của các nước như Tụy Sĩ, Nhật Bản… tuy đất đai chủ yếu là núi non không khác mấy so với vùng biên giới phía Bắc nước ta nhưng rất phát triển. Ngay cả so với phía bên kia biên giới nơi thổ nhưỡng đất đai cũng không khác gì bên ta, nhưng phía Trung Quốc đang phát triển rất nhanh. Có lẽ nếp tư duy phòng thủ theo mô hình “vườn không nhà trống” còn rơi rớt lại cũng là một nguyên nhân khiến các nhà hoạch định chính sách của ta do dự, thiếu quyết tâm đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại vùng này (?). Thực ra đó là lối tư duy phòng thủ thụ động hoàn toàn không còn phù hợp với thời đại ngày nay, không khác nào chưa đánh đã lo bị thua trận!

Lối tư duy” ăn xổi ở thì” mà ngày nay dư luân gọi là “tư duy nhiệm kỳ” cũng là là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng bố trí nhân tài vật lực “trái khuấy” như ta thấy gần đây trên quy mô toàn quốc, đặc biệt tại khu vực biên giới phía Bắc. Tại sao người ta thích mở rộng thủ đô với hàng tỉ tỉ đồng trong khi dè dặt bỏ ra vài chục tỉ để nâng cấp các cửa khẩu xập xệ rất mất cân đối so với phía bên kia biên giới?. Tại sao người ta liên tục mở ra những dự án , khu nghĩ dưỡng, sân golf … ngay trên vùng đất trồng lúa xung quanh Hà Nội mà không làm như vậy tại các tỉnh biên giới ? Những câu hỏi này thường được một số “chuyên gia” giải thích rằng “kinh tế không thể duy ý chí…”, rằng “trước hết phải tạo ra những đầu tàu…”, v.v… Ý chí ư? Đó chỉ là sự ngụy biên của những kẻ có ý chí kiếm tiền nhanh , nhiều tốt rẻ!. Đầu tàu ư? Đó là cơ hội để một số kẻ đầu cơ chính trị mau chóng biến thành “đại gia tư bản”. Cũng thật mỉa mai thay khi ai đó cứ đề cao “quan hệ đối tác chiến lược” với Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông…nhưng lại cứ để các tĩnh biên giới của mình trong tình trạng kinh tế kiệt quệ, dân số suy giảm,… rồi huy động nguồn lực bằng đường bộ từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lên để “đối ứng” với hàng dởm , hàng lậu của mấy tỉnh địa phương của “nước bạn”? Buồn cười thay, “cầu truyền hình hữu nghị “ cũng đã được nối giữa đài TH TW với đài TH Quảng Tây! Cách tư duy và sự vận dụng như thế thực chất là gì , nếu không phải là sai lầm chiến lược ?

Hậu quả của những sai lầm nói trên một mặt là sự lãng phí đất đai và tài nguyên thiên nhiên của cả một vùng rộng lớn phía bắc đồng thời tạo ra nhiều sơ hở trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tại đây trước nhu cầu cấp bách của nước lớn láng giềng phương Bắc đang rất cần mở rộng không gian phát triển bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, kể cả xâm canh, xâm cư kết hợp thuê, mua đất, rừng, hầm mỏ v.v…. Tình huống bắt buộc dân chúng tại đây không có cách nào khác phải rời bỏ quê hương đổ xô về miền xuôi, chủ yếu về Hà Nội, như một cứu cánh duy nhất để “mưu cầu ấm no hạnh phúc”. Ai muốn có cơ hôi học tập tốt, việc làm tốt, được chữa bệnh…. đều phải đổ xô về Hà Nội! Lại có một sự trùng hợp đầy nghịch lý khi giới lãnh đạo rất đề cao chủ trương xây dựng thủ đô Hà nội thành một trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội…, nghĩa là trung tâm của mọi thứ; và Hà Nội do đó phải to nhất , rộng nhất, đông dân nhất, hoành tráng nhất, cái gì cũng nhất, và mọi con đường đều phải qua Hà Nội!. Cũng với tư duy đó người ta quyết tâm làm đường sắt cao tốc Hà Nội -Hồ Chí Minh mà không nghĩ đến những con đường và sân bay cho các tỉnh biên giới. Thật đúng là cả nước hướng về Hà Nội! Đó chính là nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải và ách tắc giao thông của Thủ đô như ta thấy hiện nay. Nhưng đây chỉ mới là sự bắt đầu; nếu quy hoạch những sai lầm trong quy hoạch phát triển tổng thể của đất không được kịp thời chỉnh đốn thì không chỉ ông Đinh La Thăng mà hàng chục ông bộ trưởng kế nhiệm sau này cũng khó mà giải quyết được vấn nạn ách tắc giao thông tại thủ đô Hà Nội!./.

Trần Kinh Nghị
http://trankinhnghi.blogspot.com/2012/04/ang-sau-van-nan-ach-tac-giao-thong-o-ha.html

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này