Hoàngquang’s Blog

16/04/2012

– Ung nhọt trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc

Filed under: Trung Quốc — hoangquang @ 10:32 sáng
Tags:

Mạnh Kim
Theo Dân Luận

Nguyễn-Xuân Nghĩa – Trùng Khánh Trùng Trùng – Khi Bạc Ông Bạc Bà Cùng Ngã Ngựa….

Cuộc Khiếu Nại Làm Thay Đổi Trung Quốc

***
BÀI 1: BÍ MẬT “CỖ MÁY ĐỎ”

Trước và sau vụ lật đổ Bạc Hy Lai, Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình liên tục lên tiếng về sự cần thiết chỉnh đốn Đảng và bộ máy chính trị. Những phát biểu có vẻ thời sự này thật ra chẳng phải mới. Nó chẳng khác nào là đoạn băng ghi âm được phát lại. Sự hủ hóa trong Đảng cộng sản Trung Quốc cũng chẳng vì những phát biểu như vậy mà trở nên tử tế hơn, bất chấp nó có thể đe dọa sinh mạng chính trị dẫn đến sự sụp đổ thể chế cai trị. Trong một phát biểu gần đây, Tập Cận Bình nói rằng “những tệ nạn nảy sinh trong đảng là do thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp đảng viên”, rằng ngày càng phổ biến hiện tượng nhiều người vào Đảng chẳng phải “để chiến đấu đến giọt máu cuối cùng cho chính nghĩa cộng sản mà để được hưởng đặc quyền đặc lợi”. Tuy nhiên, cái sự “hư” trong Đảng cộng sản Trung Quốc đã trở thành hệ thống mất rồi; và việc chữa trị những ung nhọt trong cơ thể Đảng thật ra là vô kế khả thi, bởi đơn giản người ta chẳng bao giờ đủ can đảm thọc con dao mổ đến nguồn gốc thật sự của căn bệnh. Nguồn gốc của nó là gì? Thử xem vài cuộc nội soi căn nguyên vấn đề, theo những gì được kể trong The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers (NXB Penguin 2011) của nhà báo Úc Richard McGregor (cựu chánh văn phòng Bắc Kinh của tờ Financial Times)…
“Tiếng gọi” của Đảng
Hãy bắt đầu từ một phần cơ chế hoạt động. Trên bàn làm việc của lãnh đạo khoảng 50 công ty-tập đoàn nhà nước, giữa mớ bừa bộn dây nhợ của dàn vi tính, ảnh gia đình cùng nhiều vật dụng thường gặp trong văn phòng hiện đại của một tổng giám đốc điều hành, người ta thấy có một chiếc điện thoại đỏ. Bất luận lúc nào chiếc điện thoại đỏ reo, những người trong phòng đều như muốn thót tim và lập tức chạy nhào đến nghe. Bằng mọi giá, cuộc gọi từ chiếc điện thoại đỏ phải được trả lời. Nó không là chiếc điện thoại bình thường. Mỗi chiếc đều chỉ có bốn số bấm. Nó được kết nối với những chiếc tương tự cũng theo “hệ bốn số” nằm trong hệ thống bảo mật tương tự. Tại Trung Quốc, chiếc điện thoại đỏ “bốn số” là một vật được nhiều người thèm thuồng lẫn kinh sợ. Với các vị chủ tịch hoặc tổng giám đốc điều hành tập đoàn nhà nước hàng đầu, dù ai cũng sẵn trong tay thiết bị liên lạc hiện đại, cái “cỗ máy đỏ” – một “thuật từ” khác ám chỉ chiếc điện thoại đặc biệt – là dấu hiệu cho thấy họ đã đến, đã hiện diện, đã bắt đầu có quyền sinh quyền sát, không chỉ đối với ban lãnh đạo tập đoàn mà cả với bộ máy Đảng và chính quyền.
Người được tiếp cận “cỗ máy đỏ” hiển nhiên không là nhân vật xoàng. Nó được dành cho những vị trí tương đương cấp thứ trưởng trở lên. Chiếc điện thoại đỏ có mặt khắp Bắc Kinh, ở những văn phòng viên chức cấp cao; trên bàn các ngài bộ trưởng và thứ trưởng, trong phòng những vị tổng biên tập thuộc hệ thống cơ quan báo chí tuyên truyền, trong góc làm việc của các chủ tịch tập đoàn nhà nước… Tất cả hệ thống điện thoại và fax thuộc “cỗ máy đỏ” đều được mã hóa bảo mật để không chỉ tránh sự nghe trộm của tình báo nước ngoài mà còn nhằm ngăn cản sự đột nhập của bất kỳ ai ngoài cơ chế-hệ thống Đảng ngay tại Trung Quốc. Việc sở hữu “cỗ máy đỏ” có nghĩa người đó đã hoàn toàn có đủ tư cách thành viên của một hội kín gắn kết cực dính, chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ đất nước Trung Quốc, quản lý một lượng người bằng 1/5 dân số thế giới. Trong thế giới hiện đại, chẳng thiếu những hệ thống tinh hoa nắm quyền bính hoặc có ảnh hưởng thật sự trong bóng tối hậu trường, chẳng hạn những vị “quí tộc” tốt nghiệp Trường quốc gia hành chính Paris tại Pháp, hay “nhóm Todai” (xuất thân từ khoa luật Đại học Tokyo) tại Nhật, hoặc “câu lạc bộ Gymkhana” gồm những người được ăn học và đỗ đạt bên Anh ở Ấn Độ. Mỹ thì có Hội Ivy (dân tốt nghiệp tại một trong tám viện đại học danh tiếng trong đó có Cornell, Harvard, Princeton, Yale…).
Tuy nhiên chẳng nhóm nào trong các hội trên đủ tư cách “xách dép” cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Với Đảng cộng sản Trung Quốc, hệ thống tổ chức của họ đã được nâng lên một cấp độ hoàn thiện mới, độc đáo hơn, được cụ thể hóa ở hình ảnh chiếc “cỗ máy đỏ”. Với “cỗ máy đỏ”, Đảng cộng sản Trung Quốc có thể quán xuyến vai trò lãnh đạo và kiểm soát mọi thứ, từ trung ương xuống địa phương, từ văn phòng chính phủ xuống các tập đoàn, từ Trung Nam Hải đến các cơ quan-tổ chức Trung Quốc ở hải ngoại…, với cấp độ hiệu quả đến mức gần như hoàn hảo. Cũng chính bởi yếu tố quyền lực vô hình, chiếc điện thoại đỏ đã biến hóa với nhiều công năng, ngoài chức năng liên lạc và nhận-truyền chỉ thị. Một thứ trưởng từng cho biết, hơn ½ cuộc gọi nhận được từ chiếc điện thoại đỏ của ông là những yêu cầu từ giới chức cấp cao, với nội dung đại loại “Này, anh có thể xếp được một chỗ cho thằng nhỏ nhà tôi/con nhỏ nhà tôi/thằng bé cháu tôi/thằng bạn của tôi… được không?”. Còn nữa, vào thời trước khi có điện thoại di động, giới chủ ngân hàng đầu tư vốn có nhiều mối hữu hảo rộng nhưng không thể “giao thiệp” được với giới chức lãnh đạo chóp bu đã thường “mượn” chiếc điện thoại đỏ trong văn phòng mà họ đang ghé đến (khi ngài “chưởng quản” trong phòng đi vắng) để gọi trực tiếp đến một khách hàng tiềm năng…
Vào Đảng để làm gì?
Đảng cộng sản Trung Quốc thế kỷ 21 không như thời khai dựng của Mao Trạch Đông, khi Đảng thâm nhập và cài cắm vào quần chúng. Bây giờ, đủ mọi thành phần đều có thể có mặt trong Đảng. Về hình thức, Đảng đã thay đổi phong cách. Với yêu cầu dân chủ ngày càng cao và điều này thể hiện qua ý kiến của những người trong lẫn ngoài Đảng – theo Chu Thụy Kim (cựu Phó tổng Nhân Dân nhật báo và cựu Tổng biên tập Giải Phóng nhật báo) – cho nên, “thời của cá nhân cai trị đã kết thúc”. Với vô số thay đổi xã hội trong một thập niên qua, Đảng cũng bắt đầu thay đổi dung nhan. Từng được chiếm đa số với thành phần công nông (gần ½ cho đến cuối năm 1978), Đảng bây giờ có sự hiện diện của lực lượng ưu tú, từ sinh viên đến doanh nhân giàu có. Trong thực tế, đó là nguồn cung cấp nhân lực phát triển nhanh nhất của Đảng, với tỉ lệ gia nhập tăng đến 255% và 113% (theo thứ tự tương ứng), từ năm 2002 đến 2007. Nhiều người háo hức vào Đảng bởi họ thấy rõ những khoản “lãi” mà tư cách đảng viên mang lại. Một sinh viên Đại học Thanh Hoa tên Nghê Hàn Vi nói: “Với nhiều sinh viên như tôi, việc trở thành đảng viên là dấu chỉ của sự xuất sắc. Hơn nữa, nếu vào Đảng, anh sẽ có nhiều cơ hội kiếm được việc làm tốt trong bộ máy nhà nước”. “Bọn nước ngoài cứ ra rả rằng Đảng đã mang lại vô số sai lầm và có lẽ sẽ sụp đổ vài năm nữa nhưng thầy tôi thì nói “Đừng đánh giá thấp sức mạnh của Đảng. Chủ tịch và các vị trong bộ máy chính phủ trung ương thật là vô cùng anh minh. Họ có thể dùng quyền lực và chính sách để kiểm soát toàn bộ đất nước” – nhận xét thêm của Hoàng Hoành Phương, sinh viên Đại học Nhân Dân.
Bất luận thế nào, Đảng cộng sản Trung Quốc cũng đang khuyếch trương. Để thu hút doanh nghiệp tư nhân gia nhập, Đảng đã đưa ra những “khích lệ” cụ thể bằng tiền mặt, theo cách như nhiều công ty phương Tây áp dụng hình thức bán hàng đa cấp! Tại Tam Hương trấn thuộc thành phố Trung Sơn (Quảng Đông), đảng ủy địa phương đã đưa ra gói thưởng tổng cộng 5 triệu tệ (khoảng 16,4 tỉ VNĐ) cho các đơn xin vào Đảng – hình thức mà sau đó được áp dụng khắp Trung Quốc. Có nơi, những dân làng nào lập ra đảng ủy vốn chưa từng hiện diện trong một công ty tư nhân sẽ được thưởng 5.000 tệ (16,4 triệu VNĐ). Khắp Trung Quốc, giờ đây những người như doanh nhân Chu Bồi Côn không ít. Hồi mở công ty bất động sản tại Nam Trung Quốc năm 1994, Chu chẳng bao giờ nghĩ đến việc thành lập cái gọi là tổ chức đảng ủy. Thế rồi, trước sự nghi kỵ ngày càng lan rộng, Chu phải lập ra và phát triển “cơ sở Đảng” bên trong bộ máy quản trị công ty. Giờ đây, Chu nói về Đảng với sự kính trọng đặc biệt và xem Đảng là yếu tố tối quan trọng cho các mối quan hệ mình cần cũng như cho sự mở rộng và phát triển doanh nghiệp. “Thành công vĩ đại nhất của Đảng là khả năng thích nghi với thay đổi môi trường” – Chu hứng khởi nói – “Tất cả những người giỏi nhất bây giờ đều nhập Đảng”.
Có lẽ “khả năng thích nghi với thay đổi môi trường” như cách nói của Chu Bồi Côn là việc khoác thêm lớp áo truyền thống. Một trong những ví dụ là sự hồi sinh văn hóa Khổng Tử – người từng bị Mao xem là biểu tượng của “phong kiến hủ lậu” bởi những luận điểm “lạc hậu” đại loại “Quân tử sở tính nhân nghĩa lễ trí” (Quân tử phải biết tu thân và hiểu thấu đáo lễ nghĩa). Có thể nói sự “tiến hóa” của Đảng với khả năng nâng cấp lên những phiên bản mới đã mang lại sức mạnh tập quyền cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Bàng Trữ – một học giả thuộc Viện khoa học-xã hội Trung Quốc, một trong những người cầm ngọn cờ đầu cho cuộc chiến bảo vệ Đảng đến cùng – nói rằng, nếu không có một bộ máy lãnh đạo trung ương mạnh, “nhiều địa phương sẽ đòi độc lập và phong ba sẽ xảy ra”, rằng “bí mật của bộ máy nhà nước Trung Quốc là ông vua luôn kiểm soát tất cả những cái mũ (“sở hữu đích mạo tử do hoàng đế”). Ông ấy có thể lấy đi hoặc đặt vào. Tôi không nghĩ phần này trong hệ thống sẽ bao giờ thay đổi”…
Mạnh Kim
(còn tiếp)

http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://danluan.org/node/12267

Mạnh Kim – Ung nhọt trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc (bài 2)

Định nghĩa rằng đó là cơ quan nhân sự Đảng là chưa đầy đủ đối với Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Để dễ liên tưởng bằng cách so sánh với một hình ảnh tưởng tượng bên Mỹ, có thể hình dung rằng đó là một ban giám sát việc bổ nhiệm toàn bộ nội các Hoa Kỳ, toàn bộ thống đốc bang lẫn phó thống đốc, toàn bộ thị trưởng các thành phố lớn, toàn bộ người đứng đầu các cơ quan pháp chế liên bang, các vị tổng giám đốc điều hành tập đoàn GE, ExxonMobil, Wal-Mart và khoảng 50 công ty khác lớn nhất Mỹ, toàn bộ chánh án Tối cao pháp viện, các tổng biên tập New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, các giám đốc đài truyền hình và hệ thống truyền hình cáp, chủ tịch Đại học Yale, Harvard và nhiều đại học lớn khác, giám đốc các tổ chức nghiên cứu độc lập chẳng hạn Viện Brookings và Heritage Foundation. Không chỉ vậy, tiến trình bổ nhiệm luôn được thực hiện sau những cánh cửa đóng chặt, và việc bổ nhiệm luôn được công bố mà chẳng bao giờ kèm theo giải thích.
BÀI 2: NHỮNG NGƯỜI NẮM GIỮ HỒ SƠ
Trong buổi họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ năm Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa XI ngày 14-3-2012, Ôn Gia Bảo nhấn mạnh phải có những cải cách chính trị “khẩn cấp” ở thượng tầng Nhà nước để Đảng cộng sản Trung Quốc có thể tiếp tục phát triển và làm tốt vai trò lãnh đạo…
“Bộ Lại”
Liệu có phải đó là những cải cách trong cơ chế bổ nhiệm nhân sự? Liệu có phải đó sẽ là cuộc nội soi cần thiết để phẫu thuật những “lỗi thiết kế” của cơ quan đặc trách nhân sự Đảng với tên gọi chính thức là Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc?… Tại Trung Quốc, Ban tổ chức trung ương là một trong những cơ quan quan trọng và bí mật nhất. Trụ sở của nó tại Bắc Kinh là một tòa nhà không đề bảng, cách Thiên An Môn khoảng 1 km về phía Tây, dọc đại lộ Trường An. Trong danh bạ, không bao giờ có số điện thoại của trụ sở Ban tổ chức trung ương. Tất cả cuộc gọi từ máy điện thoại bàn trong tòa nhà Ban tổ chức trung ương cho điện thoại di động đều luôn hiển thị một dãy số 0. Cách duy nhất để người dân bên ngoài liên lạc với Ban tổ chức trung ương tại Bắc Kinh là gọi đến số 12380 và luôn nghe được câu trả lời ghi âm sẵn với nội dung đồng ý cho người gọi phản ánh bất kỳ vụ việc nào liên quan “vấn đề tổ chức cán bộ Đảng” ở cấp quận trở lên. Từ đầu năm 2009, website Ban tổ chức trung ương đã ra đời, cũng hỗ trợ “dịch vụ tiếp dân” tương tự. Trong cùng thời gian, Ban tổ chức trung ương bổ nhiệm một phát ngôn viên. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu làm việc, viên này không “phát” một từ nào ra bên ngoài…
Định nghĩa rằng đó là cơ quan nhân sự Đảng là chưa đầy đủ đối với Ban tổ chức trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Để dễ liên tưởng bằng cách so sánh với một hình ảnh tưởng tượng bên Mỹ, có thể hình dung rằng đó là một ban giám sát việc bổ nhiệm toàn bộ nội các Hoa Kỳ, toàn bộ thống đốc bang lẫn phó thống đốc, toàn bộ thị trưởng các thành phố lớn, toàn bộ người đứng đầu các cơ quan pháp chế liên bang, các vị tổng giám đốc điều hành tập đoàn GE, ExxonMobil, Wal-Mart và khoảng 50 công ty khác lớn nhất Mỹ, toàn bộ chánh án Tối cao pháp viện, các tổng biên tập New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, các giám đốc đài truyền hình và hệ thống truyền hình cáp, chủ tịch Đại học Yale, Harvard và nhiều đại học lớn khác, giám đốc các tổ chức nghiên cứu độc lập chẳng hạn Viện Brookings và Heritage Foundation. Không chỉ vậy, tiến trình bổ nhiệm luôn được thực hiện sau những cánh cửa đóng chặt, và việc bổ nhiệm luôn được công bố mà chẳng bao giờ kèm theo giải thích. Tại Bắc Kinh, Bộ chính trị quyết định việc bổ nhiệm những vị trí quan trọng nhất nhưng Ban tổ chức trung ương là người gác cổng mà tất cả ứng cử viên buộc phải đi ngang trước khi có thể chính thức tiếp nhận nhiệm sở. Nói cách khác, Ban tổ chức trung ương hoạt động với mô hình gần giống với Bộ Lại ngày xưa, nơi có quyền xem xét và bổ nhiệm quan viên, với người đứng đầu là Lại bộ thượng thư. Tất nhiên việc so sánh Bộ Lại với Ban tổ chức trung ương là một khiên cưỡng vì Bộ Lại thời phong kiến không thể tổ chức tốt bằng bộ máy Ban tổ chức trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, với mức độ hoạt động nhịp nhàng và tầm “quán xuyến” bao phủ rộng đến tận cùng triệt để.
Luôn nắm trong tay hồ sơ cán sự Đảng, Ban tổ chức trung ương phối hợp với Ban phòng chống tham nhũng trung ương để có thể kiểm tra chéo bất kỳ dấu hiệu hủ hóa và suy thoái tư cách đạo đức nào trong hàng ngũ Đảng, ít nhất theo lý thuyết là vậy. Cùng lúc, Ban tổ chức trung ương cũng kiểm soát chặt chẽ hồ sơ đảng viên ở các cấp địa phương. Có thể thấy tầm mức uy thế Ban tổ chức trung ương như thế nào, qua việc chứng kiến nhiều nhân vật cao cấp đều từng kinh qua ghế trưởng ban Ban tổ chức trung ương, từ Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang, đến Tăng Khánh Hồng. Và khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai cuối năm 2007, Chủ tịch-Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào cũng củng cố ghế lãnh đạo bằng việc đưa một nhân vật trung thành thuộc cánh hẩu (Lý Nguyên Triều) lên chức Trưởng ban Ban tổ chức trung ương.
Mũ chuồn, áo thụng, thẻ bài ngà…
Bởi sự bao trùm trong chức năng bổ-bãi nhiệm nhân sự của Ban tổ chức trung ương (và dưới đó là các ban cán sự đảng bộ từng ngành, ban tổ chức cán bộ tỉnh ủy-quận ủy, ban tổ chức cán bộ đảng ủy đại học-bệnh viện-cơ quan cấp sở…) nên cơ chế “đầu mối” này cuối cùng đã dẫn đến nhiều hệ quả tai hại. Các vụ mua quan bán tước xảy ra ngày càng phổ biến và trầm trọng, thậm chí ngoài tầm kiểm soát. Bên ngoài hoạt động nhân sự thuần túy của Ban tổ chức trung ương là một thị trường mua bán “ghế” nhộn nhịp. Giá trị của cái thị trường “tổ chức cán bộ” đã thể hiện ở vụ án tại Tứ Xuyên năm 2007, khi một gã giả danh cán bộ Ban tổ chức cán bộ đã đòi mức phí với “giá sỉ” lên đến (tương đương) 63.000 USD để lo một chiếc “ghế đẹp” cho tay viên chức địa phương.
Kinh điển hơn là trường hợp Mã Đích – một vụ án chấn động với những tình tiết mà Bao Công tái thế cũng phải nghiêng mình bái phục. Thời còn làm phó thị trưởng Mẫu Đơn Giang (thuộc Hắc Long Giang) cuối thập niên 1980, Mã Đích và vợ chẳng bao giờ dám bật đèn khi trở về nhà sau ngày làm việc, bởi cứ thấy đèn trong nhà Mã Đích còn sáng là dân làng còn đứng xếp hàng để biếu quà. Hôm nọ, một viên quan địa phương nói nhỏ với Mã: “Ông không ăn mà sống được à? Nếu ông không nhận quà, quần chúng sẽ nghĩ ông không tin họ, không gần gũi họ. Ông cứ nhìn người khác mà xem, họ ăn, họ uống, họ đi matxa… Nếu ông là một tay chỉ huy cô độc, làm sao ông có thể làm việc được…?”. Thế rồi ngày kia, Mã Đích bị dân “bỏ rơi” thật. Ông thất cử trong một cuộc bầu cử địa phương. Nhiều năm sau, năm 2000, Mã Đích đã nghiệm được bài học quan trọng chốn quan trường. Ông đã chi cực đậm để mua chiếc ghế bí thư thị trấn Tuy Hóa, với số tiền khổng lồ trả “trọn gói” một lần gồm hơn 100.000 USD cho mụ trưởng ban tổ chức tỉnh ủy Hắc Long Giang. Mã Đích cũng trở nên lọc lõi trong nghề hơn. Ông không đưa trực tiếp tại nhà riêng mà trao gói tiền cho mụ trưởng ban tổ chức khi đương sự đang nằm viện. Ai dám nói đó là tiền hối lộ? Đó là khoản “hỗ trợ viện phí” cho bà trưởng ban tổ chức cán bộ tỉnh ủy Hắc Long Giang!
Khi về nhận nhiệm sở tại Tuy Hóa, Mã Đích đã trình diễn một màn ra mắt ấn tượng. Tháng 10-2000, ông cho triệu tập viên chức địa phương để cùng xem bộ phim tài liệu mang tựa Giáo huấn cảnh cáo đích nói về một viên chức tham nhũng tên Hồ Trường Thanh ở Giang Tây (họ Hồ bị kết tội nhận hối lộ tương đương 5 triệu USD, là viên chức cấp tỉnh đầu tiên bị tử hình kể từ thập niên 1950). Kết thúc buổi chiếu, họ Mã đăng đàn thuyết giảng về sự trong sạch guồng máy Đảng, về việc cán bộ phải làm gương và nghiêm túc chấp hành điều lệ Đảng, rằng công bộc của dân thì phải sống và làm việc theo pháp luật, đảng viên thì phải “uy vũ bất năng khuất” trước cám dỗ vật chất thì như vậy mới đáng là “thị chi vị đại trượng phu”!… Tuy nhiên, chỉ trong hai năm, Mã Đích đã trở thành “đầu lĩnh” một đường dây chuyên mua bán “ghế”, với một qui trình khép kín hoàn hảo và chỉn chu. Vào trước thời điểm họ Mã cùng hàng chục người khác bị bắt năm 2002, công tố viên cho biết, khoảng 265 viên chức – tức khoảng ½ cán bộ viên chức được bổ nhiệm bởi Ban tổ chức cán bộ dưới quản lý của cơ quan đảng bộ Tuy Hóa – đều thuộc thành phần mua hoặc bán “ghế”!
Tài khoản của “Mã gia gia”, được cậu con trai ở Bắc Kinh đứng tên mở, đã chứa đến 20 triệu tệ chỉ trong ba năm. Điều khiến người ta tiếp tục bàng hoàng là trấn Tuy Hóa còn có vô số những “tiểu Mã Đích” khác. Lâm Cương chẳng hạn, một viên chức đã chi 300.000 tệ để mua chiếc ghế bí thư đảng tại một quận nhỏ. Với dân số 330.000, cái vùng mà Lâm Cương cai quản là một xứ “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, nơi hàng ngàn thiếu niên không có tiền đi học, nơi hàng chục ngàn công nhân bị thất nghiệp triền miên và là nơi khoảng 3.500 hộ khẩu thiếu đói trầm trọng. Trong hai năm trước khi Lâm Cương bị bắt, kinh tế địa phương trở nên xơ xác như những chiếc áo rách đùm rách đụp của người dân. Thuế bị thiệt hại đến gần 30%. Tương tự “Mã đại ca” ở “bên trên”, “dưới này” “Lâm tiểu đệ” cũng kiếm cơm bằng “nghề” chạy “ghế”. Một công tố viên cho biết, “Lâm Cương đã bỏ ra 300.000 tệ để mua ghế và chỉ trong hai năm, hắn đã kiếm được 5 triệu tệ. Lãi 1.500%! Liệu trên đời này có nghề nào hốt bạc ngon lành hơn thế nữa?”…
Mạnh Kim
http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://danluan.org/node/12271
Mạnh Kim – Ung nhọt trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc (bài 3)

Tại Trung Quốc, “tiểu yêu” tham nhũng thường tung hoành “thả cửa” ngay chính ở những khu vực thuộc quản lý nhà nước, nơi có nhiều không gian cho các quan chức hủ hóa “biến thế” lộng quyền và tham ô, chẳng hạn: hải quan, thuế vụ, địa ốc, hạ tầng… Những vị trí trong cơ quan-bộ máy nhà nước, do vậy, thu hút nhiều đơn xin việc nhất vào năm 2008 không phải là Bộ ngoại giao hay Bộ tài chính. Trong 10 cơ quan nhà nước được đánh giá là “hot” nhất, tám đã thuộc về những vị trí liên quan cục thuế tỉnh (đặc biệt Quảng Đông) và hai thuộc về cục hải quan (Thượng Hải và Thâm Quyến). Và trong 10 cơ quan nhà nước bị đánh giá “hẻo” nhất (đơn xin việc ít nhất) là thuộc về các cục thống kê hay đại loại. Rõ ràng, người ta “vào nhà nước” chủ yếu để “kiếm cơm” và vào Đảng chủ yếu để củng cố khả năng kiếm cơm. Đảng đã bị lợi dụng để trục lợi, một cách không thương tiếc.
BÀI 3: “HẮC LĨNH BANG”
Năm 2006, phát biểu trước Ban phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã nêu trực tiếp tội lạm quyền của nhiều viên chức Đảng dẫn đến xáo trộn xã hội và tạo ra phản kháng quần chúng. “Cái quả bom nổ chậm ấy chôn trong xã hội có thể dẫn đến loạt vụ nổ, đưa đến bất ổn đồng thời làm tê liệt bộ máy nhà nước” – Hồ Cẩm Đào nói…
Thế giới của những “hắc y lang”
Việc lợi dụng là “người của Đảng” và lạm dụng chức quyền nhờ Đảng mà có, nhiều năm qua, đã trở thành vấn đề cực kỳ bức xúc tại Trung Quốc. Tham nhũng ngày càng tinh ma quỷ quyệt trong khi nhà nước ngày càng khó khăn trong việc “bắt ấn trừ tà”. Cuối thập niên 1990, khi gần như toàn bộ chính quyền phố cảng Hạ Môn (Phúc Kiến) bị mafia (Lại Xương Tinh) mua đứt để, trong nhiều năm, chuyển số hàng lậu khổng lồ trị giá hơn 6 tỉ USD vào Hoa lục đã đủ khiến thiên hạ bàng hoàng, thì một thập niên sau, “trình độ” tham nhũng đã “tiến hóa” kinh khủng và mức độ “ăn” hối lộ đã “tiến bộ” hơn vạn lần. Chỉ vài tháng trong năm 2009, phóng viên Trung Quốc đã làm việc mệt nghỉ khi tường thuật loạt vụ tham nhũng chấn động cả nước: từ vụ chánh văn phòng ban quản lý đường sắt ở Ürümqi (tức Ô Lỗ Mộc Tề, thủ phủ Tân Cương) biển thủ 3,6 triệu USD; vụ một viên chức bậc trung ở Thượng Hải nhận hối lộ 1 triệu USD và bị tịch biên số bất động sản bất minh trị giá gần 6 triệu USD; vụ một bí thư thuộc một trấn nhỏ gần Thành Đô (Tứ Xuyên) bị tử hình tội ăn hối lộ 2,5 triệu USD; vụ sếp công an ở một thị trấn nghèo nhất Quảng Đông bị phát hiện cất giấu 4,4 triệu USD tiền mặt trong nhà; đến vụ phó thị trưởng Tô Châu (Giang Tô) có “biệt tài” độc đáo đến độ có thể “nuốt” “một phát một” gần 12 triệu USD – lập một kỷ lục mà bọn máu mặt “trong giới” hẳn phải ganh tỵ!
Thế cho nên, khi phó thị trưởng Bắc Kinh Lưu Chí Hoa bị kết án tháng 8-2008 tội nhận hối lộ khoảng 1 triệu USD, công dân mạng Bắc Kinh đã mỉa mai viết rằng “Ăn có nhiêu đó mà gọi là ăn hối lộ sao được!”, “Ông này nên được xếp vào hàng viên chức trong sạch”, “Xin hãy thả ổng ra ngay”… Thế cho nên, Vương Minh Cao, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu tình trạng quốc nạn tham nhũng, đã gọi những “quan chi phụ mẫu” hiếm hoi sót lại là những đối tượng “không bình thường” có thể xếp vào nhóm (bị mắc phải) “thanh quan chứng hậu quần” ( hội chứng viên chức sạch). Lương viên chức nhà nước Trung Quốc không được công bố nhưng một số phát biểu trước công chúng đã tiết lộ phần nào thu nhập chính thức của họ. Năm 2007, khi tiếp một giáo sư đại học và được nghe than rằng ông này chỉ kiếm được không đến 13.000 USD/năm, bà Trần Chí Lập (lúc đó là Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách giáo dục-khoa học-thể thao) đã quay sang diễn đàn hỏi Bộ trưởng khoa học-kỹ thuật Từ Quan Hoa rằng lương của ông bao nhiêu. Họ Từ đáp, xin thưa là khoảng 1.350 USD/tháng. Bà Trần cũng hồi lại, của tôi thì chừng 1.450 USD/tháng… Có thể thấy lương chính thức của cán bộ cao cấp nhà nước cũng chỉ kha khá; và như vậy, thật khó có thể tưởng tượng với đồng lương bí thư Trùng Khánh mà “đồng chí” Bạc Hy Lai có thể cho cậu con trai Bạc Qua Qua học tại Harvard với mức học phí khoảng 70.000 USD/năm.
Tuy nhiên, như một doanh nhân bị bỏ tù tội hối lộ đã nói, “mỗi viên chức Trung Quốc đều có ba bộ cuộc sống – cuộc sống với công chúng, cuộc sống riêng tư và cuộc sống bí mật”. Người ta gọi số đông trong bọn họ là thành phần “hắc lĩnh bang” – nhóm người (mặc áo) cổ cồn đen. Xe của họ màu đen. Thu nhập của họ được giấu kín. Cuộc sống của họ được ẩn sâu. Việc làm của họ được che đậy. Tóm lại, mọi thứ liên quan họ đều được che giấu, như một “hắc y lang” (người mặc đồ đen) đứng trong bóng tối của màn đêm đen kịt…
Tại sao tham nhũng vẫn nhởn nhơ?
Tại Trung Quốc, “tiểu yêu” tham nhũng thường tung hoành “thả cửa” ngay chính ở những khu vực thuộc quản lý nhà nước, nơi có nhiều không gian cho các quan chức hủ hóa “biến thế” lộng quyền và tham ô, chẳng hạn: hải quan, thuế vụ, địa ốc, hạ tầng… Những vị trí trong cơ quan-bộ máy nhà nước, do vậy, thu hút nhiều đơn xin việc nhất vào năm 2008 không phải là Bộ ngoại giao hay Bộ tài chính. Trong 10 cơ quan nhà nước được đánh giá là “hot” nhất, tám đã thuộc về những vị trí liên quan cục thuế tỉnh (đặc biệt Quảng Đông) và hai thuộc về cục hải quan (Thượng Hải và Thâm Quyến). Và trong 10 cơ quan nhà nước bị đánh giá “hẻo” nhất (đơn xin việc ít nhất) là thuộc về các cục thống kê hay đại loại. Rõ ràng, người ta “vào nhà nước” chủ yếu để “kiếm cơm” và vào Đảng chủ yếu để củng cố khả năng kiếm cơm. Đảng đã bị lợi dụng để trục lợi, một cách không thương tiếc.
Tại Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm chính về chống tham nhũng là Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương (“Trung Quốc cộng sản đảng trung ương kỷ luật kiểm tra ủy viên hội”) với nhân sự khiêm tốn 800 người tại trụ sở trung ương. Trợ giúp Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương là những cục-ban ở cấp tỉnh, cấp quận; trong các tập đoàn nhà nước và ở tất cả cơ chế thuộc tổ chức Đảng. Về lý thuyết, việc giám sát cán bộ được thực hiện với qui trình chặt chẽ, bằng việc cài cắm “quần chúng” ở mọi ngóc nghách để giúp phát hiện và tố cáo kịp thời, hầu triệt tiêu mọi biểu hiện, hành vi tham ô hối lộ. Tổng biên tập một tờ báo ở Thượng Hải cho biết, trong vụ tai tiếng tham ô bất động sản liên quan bí thư Trần Lương Vũ, ông đã được rỉ tai rằng trong tòa soạn mình có một “quần chúng” làm việc cho cục kiểm tra kỷ luật thành ủy nhưng ông không thể biết đó là ai. “Có thể là tay lao công hay thậm chí là tay phó tổng biên tập” – ông kể… Về qui trình, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương cùng các “phản tham cục” (cục phòng chống tham nhũng) trực thuộc địa phương được phép xử lý mạnh tay, bằng luật “song quy” (“shuanggui”), tức đối tượng tình nghi có thể bất ngờ bị bắt bí mật song song tiến trình điều tra (chứ không phải điều tra xong mới bắt). Trong thời gian bị tạm giam, đương sự tuyệt đối bị cấm liên lạc với bên ngoài, kể cả gia đình…
Việc sử dụng “quần chúng” chỉ điểm cùng hình thức “thư tố cáo” hoặc “đơn kêu cứu” nặc danh tỏ ra khá hiệu quả nhưng đồng thời cũng có mặt trái. Trong nhiều trường hợp, các phe nhóm đấu đá quyền lực đã sử dụng lá bài “quần chúng tố cáo” để triệt hạ nhau. Ngoài ra, người ta còn “xử” chiêu “rò rỉ nội bộ” hoặc tạo tập trung chú ý bằng việc (ẩn danh) tuồn hồ sơ cho báo chí (ở Hong Kong, các website tiếng Hoa ở nước ngoài…) để đánh động dư luận ngược trở về Trung Nam Hải. Cao tay ấn hơn, các đối thủ còn áp dụng hình thức tung ra tiểu thuyết hình sự với nội dung dễ khiến liên tưởng đến viên chức cụ thể nào đó. Quyển Thiên nộ – phản tham cục tại hành động (Trời đất nổi giận – khi Cục chống tham nhũng ra tay; ra mắt năm 1997) là một ví dụ. Trong Thiên nộ, người ta chứng kiến cảnh cậu ấm cưng của bí thư Bắc Kinh “phong lưu công tử” như thế nào, đục khoét ngân sách để sống xa hoa ra sao và còn “chia ngọt sẻ bùi” đám bồ nhí với chính bố mình. Trước khi Thiên nộ bị thu hồi, người ta đã kịp biết tay bí thư trong quyển “tiểu thuyết hình sự” thật ra chẳng ai khác hơn là hình ảnh tái hiện của Trần Hy Đồng, Ủy viên Bộ chính trị kiêm bí thư Bắc Kinh, người mà một năm sau đã bị xử 16 năm tù, trong khi cậu “công tử” Trần Tiểu Đồng bị “hạn” 12 “niên”. Nếu không có bàn tay đen nào đó trong bóng tối dựng “tuồng tích” kịch bản rồi làm đạo diễn, Thiên nộ – đụng trực tiếp đến một ủy viên Bộ chính trị – ngay từ đầu đã khó có thể lọt khỏi cửa kiểm duyệt của nhà xuất bản…
Được trang bị công cụ với một bộ máy được thiết kế hoạt động ăn khớp từ trên xuống dưới nhưng vì sao chống tham nhũng tại Trung Quốc mãi trầy trật? Vấn đề ở chỗ, không hẳn tham nhũng đã tiến hóa tinh vi đến mức luật pháp bó tay mà thật ra là cơ chế quản lý còn nhiều kẽ hở để tham nhũng lợi dụng rồi phát triển thành “hệ thống”. Trong vài trường hợp, tham nhũng đã được hình thành thông qua những cấu kết bí mật. Trong vụ Mã Đích chẳng hạn. Hồi đương chức, tay bí thư trấn Tuy Hóa (Hắc Long Giang) này đã cấu kết với thị trưởng Tuy Hóa Vương Thẩm Y, dù hai người vốn chẳng ưa nhau, trong việc “cắt” Tuy Hóa thành nửa đôi để chia làm địa bàn “khai thác”, trong dự án lót vỉa hè cho trung tâm thị trấn! Không chỉ “ăn đồng chia đủ” việc chấm mút ngân sách công trình, hai người còn tranh nhau tận thu bằng cách “nã” tiền doanh nghiệp và người dân thuộc “địa bàn” mình, khi cùng áp dụng cái chính sách gọi là “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Những kẻ nằm trong “hệ thống” như bộ đôi Mã-Vương không ít. Và khi còn có thể “sống” với nhau được, họ sẽ bưng bít cho nhau hoặc làm ngơ giả bộ không biết. Đến lúc trở thành đối thủ sống còn cho chiếc ghế chính trị, những tình tiết tham nhũng của đối phương sẽ bất ngờ bị “quần chúng” phát hiện và tố cáo cho Đảng, với bộ hồ sơ dày cộm cùng những bằng chứng không thể mở mồm…
Mạnh Kim
(còn tiếp)
http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://danluan.org/node/12279

Mạnh Kim – Ung nhọt trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc BÀI 4: SƠN CAO HOÀNG ĐẾ VIỄN
Từ khi thực hiện chính sách mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình, các địa phương Trung Quốc được trao quyền “tự biên tự diễn” về mặt thiết kế và điều hành kinh tế, lấy chủ trương cạnh tranh làm động lực cho phát triển, trong tổng thể qui hoạch của trung ương. Tuy nhiên, như người Trung Quốc vẫn thường nói “Sơn cao hoàng đế viễn” (Núi thì cao, vua lại xa tít), mô hình quản lý kinh tế phân quyền đã đưa đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng…
“Thập niên phong thủy lưu sanh chuyển”…
Năm 2005, Trương Bảo Khánh, lúc đó là thứ trưởng giáo dục, than phiền rằng, chính sách cho sinh viên nghèo vay của trung ương đã bị nhiều địa phương phớt lờ. “Sự kiểm soát của chính phủ trung ương đã không vượt qua nổi bốn bức tường Trung Nam Hải. Trên này nói gì, dưới đó không nghe!” – họ Trương phát biểu. Trên lý thuyết, trung ương luôn kiểm soát tuyệt đối về chính trị cũng như mọi mặt trong chính sách vĩ mô; nhưng trong thực tế, chính phủ địa phương vẫn có thể qua mặt và giấu nhẹm những vụ việc sai lầm cho đến khi không thể bưng bít (điển hình là vụ chính quyền Thạch Gia Trang giấu kín mọi tình tiết liên quan xìcăngđan sữa dỏm của tập đoàn Tam Lộc trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh 2008). Điều đó đã bộc lộ những mâu thuẫn nội tại của mô hình quản lý Trung Quốc. Và nó tiếp tục ảnh hưởng đến chiều sâu phát triển xã hội lẫn chiều rộng của an ninh nội chính, làm xói mòn cơ chế và cấu trúc quản lý bộ máy Đảng cộng sản Trung Quốc.
Trong buổi nói chuyện về cải cách kinh tế tại Bắc Kinh năm 2008, tiến sĩ Mỹ gốc Hoa Trương Ngu Thường (được Trung Quốc nhiều lần mời làm cố vấn chính sách kinh tế) nói: “Đất nước các anh phải đối mặt với tham nhũng; hệ thống pháp luật thuộc hạng D; tự do ngôn luận bị kiểm soát, giáo dục và y tế thì công chẳng ra công, tư chẳng ra tư; chính sách thì khi thế này lúc thế khác; rồi lại có hàng chục ngàn cuộc biểu tình đình công mỗi năm…”. Thế mà GDP Trung Quốc vẫn cứ tăng đều gần 10%/năm trong ba thập niên. Nhờ đâu? Yếu tố then chốt – theo giáo sư Trương (sau nhiều cuộc thị sát những trung tâm sản xuất đầu não tại khu vực Dương Tử và Châu Giang) – chính là sự cạnh tranh sống mái giữa các địa phương. Sống và thở với văn hóa chỉ tiêu đã ăn sâu vào đời sống Trung Quốc, và hơn nữa, chính quyền tỉnh này lại không thể để “thằng” tỉnh lân cận hơn họ. Áp dụng chính sách khuyến doanh nới lỏng hết mức có thể, chính quyền địa phương tạo ưu đãi tối đa cho hoạt động doanh nghiệp tại tỉnh nhà. Năm 2005, có một trấn nhỏ nọ tại An Huy thậm chí tổ chức cuộc thi hoa hậu địa phương để tuyển chọn một đội mỹ nữ “thân mang trọng trách” là tháp tùng, cho xôm tụ, cùng các anh viên chức địa phương đi khắp Trung Quốc “tìm kiếm cơ hội đầu tư” về cho địa phương nhà. Năm 2009, hai thành phố láng giềng tại Hà Nam cũng đã tranh nhau giật một phần gói thầu tuyến xe lửa cao tốc từ Thượng Hải ngang địa phương mình: trong khi chính quyền huyện Tân Hóa thuộc trấn Lâu Để phát động phong trào “toàn dân đồng lòng bảo vệ đường sắt”, thì đối thủ láng giềng Thiệu Dương “xúi” hàng ngàn cư dân xuống đường rầm rộ hô vang khẩu hiệu với cờ xí rợp trời để trấn áp tinh thần “phe địch bên kia”…
Đúng là chủ trương khích lệ cạnh tranh đã giúp kinh tế Trung Quốc phát triển cực nhanh, hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử kinh tế thế giới cận đại. Từ khi Đặng Tiểu Bình đề ra chương trình “khai phóng” (cải tổ), với câu nói nổi tiếng: “Bất quản bạch miêu hắc miêu, hội tróc lão thử tựu thị hảo miêu” (Bất kể mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột là tốt), trong 15 năm từ 1978 đến 1993, GDP Trung Quốc tăng 280%! “Nếu mỗi tỉnh Trung Quốc được xem như một nền kinh tế thì khoảng 20 trong 30 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong giai đoạn này đều thuộc tỉnh thành Trung Quốc” – theo một báo cáo được soạn cho các nhà kinh tế hàng đầu nước này. Đó là giai đoạn chứng kiến sự thành công của chủ trương tản quyền về quản lý kinh tế. Tuy nhiên, chính sách quản lý của Trung Quốc, giống như câu ngạn ngữ của họ – “Thập niên phong thủy lưu sanh chuyển”, đã không bao giờ nhất quán. Và chẳng cứ gì phải chờ đúng một “thập niên” mới “lưu sanh chuyển”. Nó thay đổi xoành xoạch, theo một chu kỳ (với độ co giãn thời gian tùy thời điểm) gần như bất biến: Tập quyền dẫn đến bế tắc, bế tắc dẫn đến phân quyền; phân quyền dẫn đến hỗn loạn, hỗn loạn lại dẫn về tập quyền…
Cùng tắc biến, biến tắc thông (thông rồi lại tắc)…
Một trong những hậu quả của mô hình tự chủ phát triển là hiện tượng đầu tư vô tội vạ, cốt để “lấy le” với đối thủ láng giềng lẫn “được tiếng” với trung ương, trong khi “mấy anh” trung ương luôn bị “thuốc” bởi những con số thống kê (đạt hoặc vượt) chỉ tiêu. Hậu quả cuối cùng không chỉ làm thiệt hại ngân sách mà còn khiến người dân điêu đứng, bởi thực chất thì nhiều vụ đầu tư chẳng hề mang lại thiết thực cho lợi ích cộng đồng. Cần biết, Ấn Độ đạt tăng trưởng 7-8%/năm bằng cách tái đầu tư khoảng 1/4 GDP. Trong khi đó, các tỉnh thành Trung Quốc, do áp lực chỉ tiêu lẫn văn hóa cạnh tranh, đã dốc gần 1/2 GDP cho tái đầu tư chỉ để lấy được vài điểm phần trăm (percentage point) nhỉnh hơn “thằng” láng giềng. Thấy thì xôm nhưng thật ra thì hỏng. Hệ lụy: tỉ lệ đầu tư luôn cao hơn tiêu dùng. Sản xuất để bỏ vào kho, cao ốc được dựng để bỏ trống, đường cao tốc được xây để phơi rơm rạ…, đó là những gì của cái mặt sau tấm huy chương nền kinh tế “lớn thứ hai thế giới”.
Thế rồi bổn cũ soạn lại. Lần này (trong quãng 2009-2011) là kiểm soát mạnh chi tiêu công đồng thời tăng chỉ tiêu thuế. Để tiếp tục xoay đủ tiền cho kế hoạch phát triển riêng, các địa phương chẳng còn cách nào khác là “vặt lông” người dân, là tận thu xã hội, là đưa ra những qui định quái đản. Tháng 5-2009, huyện Công An (Kinh Châu, Hồ Bắc) đã ra lệnh buộc mọi viên chức nhà nước phải “nỗ lực” hút ít nhất 23.000 gói thuốc lá một năm! Tại sao? Để đáp ứng “chỉ tiêu” thuế lẫn “quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”! Lĩnh vực bị “tàn sát” tận thu nhất, tất nhiên, là bất động sản. Theo khảo sát của Ư Kiến Vanh, học giả lừng lẫy thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, có đến 30% ngân sách tài khóa của chính quyền Hà Bắc là có nguồn gốc từ các vụ bán đất. Trong khi đó, khắp Trung Quốc, có khoảng 60% vụ biểu tình hoặc bạo động xã hội xuất phát từ bi kịch mất đất. Cơn lốc bán đất thực hiện trong khuôn khổ kế hoạch duy trì tăng trưởng đã trở nên kinh khủng đến mức bây giờ một số địa phương đã chẳng còn tí quỹ đất nào để mà xén.
Nói đến đất là nói đến phạm trù của tham nhũng và hủ hóa cán bộ. Thế rồi bổn cũ lại được giở ra. Trung ương bắt đầu siết chặt. Gần đây, Bắc Kinh bắt đầu yêu cầu bí thư quận ủy thuộc các địa phương nhỏ phải tập trung về Trường đảng trung ương, thay vì học tại các trường đảng địa phương. Để nhấn mạnh tầm quan trọng, tất cả khoảng 3.000 bí thư quận ủy đều được đích thân ủy viên Bộ chính trị hoặc bộ trưởng giảng dạy. Đồng thời, Bắc Kinh cũng sử dụng công cụ “quần chúng” để giúp phát hiện cán bộ hủ hóa, bằng cách cho phép giới báo chí và blogger vào cuộc. Năm 2009 – năm “đại hung” đối với giới quan lại tham ô, một loạt viên chức địa phương đã bị truất phế trong chiến dịch gọi là “thay máu cho Đảng”, trong đó có Chu Cửu Canh (vụ này được chọn là một trong 10 bản tin mạng “hot” nhất trong năm).
Một bức ảnh đăng trên mạng đã làm tiêu tan sự nghiệp Chu. Vốn chỉ là tay giám đốc Sở quản lý đất đai quận Giang Ninh (Nam Kinh), Chu Cửu Canh (trong bức ảnh) lại có thể phì phèo loại thuốc lá cực đắt Nanjing 95 Imperial (giá 263 USD/cây) và mang chiếc đồng hồ Thụy Sĩ Vacheron Constantin (16.000 USD). Một cuộc điều tra được mở ra. Chu bị buộc tội nhận hối lộ 1,07 triệu tệ cùng 110.000 đôla Hong Kong. Bản án cho đương sự là 11 năm tù cùng số tài sản bị tịch biên trị giá 1,2 triệu tệ. Tương tự, một bí thư đảng thuộc một cơ quan quản lý hàng hải ở Thâm Quyến cũng mất ghế sau khi bị đưa lên mạng đoạn phim đương sự đang dọa dẫm một ông bố “khôn hồn thì câm miệng”, trước vụ đương sự lúc say xỉn đã giở trò bỉ ổi với cô con gái nhỏ của ông bố nạn nhân trong nhà vệ sinh. Tại Vân Nam, một nhóm viên chức trại giam cũng bị xử, sau khi công dân mạng bày tỏ nghi ngờ cách giải thích liên quan cái chết một tù nhân. Nhóm cán bộ trại giam nói rằng nạn nhân, thật xui quá, đã chết bởi va đầu trúng vật cứng khi chơi… bịt mắt bắt dê với bạn tù! Điều tra cho biết, nạn nhân tử vong vì bị tra tấn!
“Bất kiến quan tài bất điệu lệ” – người Trung Quốc vẫn thường nói như vậy. Trong thực tế, đã có vô số “quan tài” để làm tiền lệ. Nhưng người ta vẫn không ngán. Là vì, một phần, “núi thì cao, vua lại xa tít”…
Mạnh Kim
(còn tiếp)
http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://danluan.org/node/12284
đoạn văn bản Mạnh Kim – Ung nhọt trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc BÀI 5: ĐẢNG VÀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

Từ chính sách “Mèo đen, mèo trắng” đến thuyết “Tam cá đại biểu” (Đảng cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất, đại diện nền văn hóa và đại diện lợi ích nhân dân), Trung Quốc đã kinh qua một chặng dài, với sự phủ nhận rồi nhìn nhận rồi lại tái đánh giá vai trò đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân…
“Xọa tử” lão gia
Ở Trung Quốc gần như chẳng ai không biết lão bán rong lừng danh Niên Quảng Cửu. Năm 1963, lão Niên lần đầu tiên nếm mùi ngục thất bởi tội “đầu cơ bất hợp pháp” bằng cách tích trữ trái cây để bán tại quê nhà Vu Hồ (An Huy). Thời Cách mạng Văn hóa, “con người hủ bại với đầu óc bị dòi bọ tư sản đầu độc” Niên Quảng Cửu lại ôm quần áo vào tù. Rồi nhiều năm sau, đầu thập niên 1980, họ Niên lại trở vào ngục. Tuy nhiên, Niên Quảng Cửu nổi tiếng không phải vì chuyện vào tù ra khám. Cuối thập niên 1970, Niên mở một cửa hàng nhỏ chuyên bán hạt dưa và hạt hướng dương sấy. Xuất thân từ gia đình với ông bố thất học mà dân làng gọi là “Xọa tử” (tên Ngốc), Niên cũng thất học và cũng bị gọi là “thằng Ngốc con”. Khi nghề bán hạt dưa phát triển, Niên đã lấy chính cái tên “Xọa tử” (Shazi) để đặt cho những gói hàng của mình. Trên sản phẩm, bên cạnh “thương hiệu” “Xọa tử” là hình chủ nhân mồm ngoác rộng cười cùng hàng chữ: “Hạt Ngốc, sự chọn lựa của người thông minh”. Ấy thế mà những gói “Xọa tử” nổi tiếng khắp hang cùng ngõ hẻm. Chỉ trong vài năm, Niên Quảng Cửu đã có thể thuê 100 nhân công. Thời đó, việc làm giàu của “Xọa tử lão gia” bị xem là một hiện tượng bất thường. Vấn đề rõ ràng là thuộc phạm trù chính trị và ý thức hệ! Chẳng biết xử lý thế nào cho phải, đảng bộ tỉnh An Huy gửi “hồ sơ Niên Quảng Cửu” về Bắc Kinh. Cuối cùng, năm 1984, “vụ án Xọa tử” được đặt lên bàn Đặng Tiểu Bình, ở thời điểm mà lãnh tụ Đặng đang triển khai chính sách “khai phóng”. Nhờ đó, Niên được “tha”.
Năm năm sau, sau vụ đại chính biến Thiên An Môn 1989, vấn đề tư nhân hóa kinh tế bắt đầu được xét lại. Trần Vân – một khai quốc công thần thuộc nhóm “Bát đại nguyên lão” (bố của Trần Nguyên, đương kim thống đốc Ngân hàng phát triển Trung Quốc) – tuyên bố rằng các biến thể của mô hình kinh tế kế hoạch đã gây ra “những vết thương đạo đức” đối với hệ thống Đảng, trở nên thật sự nghiêm trọng đối với tính sống còn của chế độ… Trần Vân chính là người thiết kế mô hình “điểu lung kinh tế” (vào đầu thập niên 1980) – “nền kinh tế lồng chim”, với ý nghĩa cái lồng là bản kế hoạch, có thể nhỏ hay lớn; và con chim-kinh tế chỉ được tự do bay nhảy trong giới hạn đó. Giang Trạch Dân, vừa chân ướt chân ráo lên ghế tổng bí thư, với sự thận trọng cao độ, cũng nhận định rằng doanh nghiệp tư nhân trong đó “những kẻ buôn bán tự do chỉ là những người lừa phỉnh, biển thủ, hối lộ và trốn thuế”. Cơn gió lạnh bắt đầu xào xạt thổi về An Huy. Tháng 9-1989, “Xọa tử lão gia” bị bắt. Trước đó, Niên Quảng Cửu đã làm cho “chúng ghét” khi rải khoảng một triệu tệ bị ẩm mốc ra phơi ở bãi trống gần nhà máy mình. Niên bị xử ba năm tù; được tha chỉ sau hai năm, một lần nữa, nhờ sự can thiệp của Đặng Tiểu Bình…
Bây giờ Niên Quảng Cửu vẫn sống bằng những gói hạt dưa, và câu chuyện “Xọa tử” đến nay vẫn được nhắc, bởi nó đã không được niêm chặt trong chiếc hòm quá khứ mà tiếp tục hiển hiện ở thời hiện tại, như thể chưa bao giờ có một dấu chấm câu để xuống hàng viết một chương hoàn toàn mới. Lịch sử dường như cứ nấn ná chưa sang trang. Việc thừa nhận vai trò tư nhân và đóng góp của họ như thế nào đối với kinh tế quốc gia vẫn là chủ đề được tranh cãi gay gắt, bất luận rằng, từ tháng 7-2001, (Chủ tịch) Giang Trạch Dân đã quyết định cho phép doanh nhân được vào Đảng (được công bố chính thức trong kỳ họp Quốc hội năm sau). Cần biết, sau khi Giang Chủ tịch loan bố rằng Đảng từ nay sẽ mở rộng cửa cho doanh nhân, nhiều ý kiến phản đối gay gắt đã nổ ra. Trương Đức Giang, lúc đó là bí thư tỉnh ủy Chiết Giang (đương kim Phó Thủ tướng; vừa được bổ nhiệm ghế bí thư Trùng Khánh giữa tháng 3-2012, thay Bạc Hy Lai), khẳng định như đinh đóng cột: nhất định không thể để cho doanh nhân vào Đảng (dù rằng, trong kỳ Đại hội đảng ngay sau đó, năm 2002, ông Trương đã được ca ngợi là một trong hai người duy nhất trúng vào Bộ chính trị khóa này là người có bằng kinh tế – lấy từ Đại học Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng)…
“Minying” và “Siying”
Sau ba thập niên cải tổ kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc vẫn được thể hiện với nhiều mô thức công ty mà không ít trong số đó luôn tự giấu mình dưới lớp mặt nạ, khi chỉ muốn được miêu tả là khối “dân doanh” (minying) thay vì chính xác hơn là “tư doanh” (siying). Ranh giới phân biệt dứt khoát đâu là khối tư nhân và đâu là quốc doanh nhiều khi không rõ ràng. Họ có thể là doanh nghiệp nhà nước 100%; nhưng cũng có loại doanh nghiệp hợp tác tư nhân; rồi doanh nghiệp liên kết tư nhân-nhà nước… Tính “đa dạng” trong mô hình công ty tại Trung Quốc còn thể hiện ở chỗ, trong nhiều trường hợp, nhiều “tư doanh” đã xoay sở để được dán “nhãn” nhà nước. Bởi, chỉ khi “dính” đến nhà nước, họ mới được dễ dàng vay vốn hoặc được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà máy hay đơn giản hơn là xin lắp cái đồng hồ điện ba pha. Tất nhiên hệ thống ngân hàng Trung Quốc (thuộc nhà nước quản lý) không “phân biệt giai cấp”; nhưng họ, một cách bất thành văn, như là theo quán tính, chỉ ưu đãi cho vay đối với các doanh nghiệp nằm trực tiếp dưới sự quản lý của Đảng.
Nói cách khác, cái bóng một thời của những Niên Quảng Cửu vẫn còn lửng lơ ám ảnh. Trong nhiều năm từ khi tung ra chuyên san Trung Quốc phú hào bảng (China Rich List) vào năm 1999 cùng danh sách xếp hạng thường niên trên Hurun.net ( Hồ Nhuận bách phú), (người sáng lập) Rupert Hoogewerf luôn bị giới chủ doanh nghiệp lảng tránh. Ít ai, trừ những kẻ giàu xổi học làm sang, muốn được thiên hạ biết mình giàu cỡ nào. Có lần, Nhậm Chính Phi – chủ tịch tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei (Hoa Vi) – đã gửi loạt thư đe dọa yêu cầu tên ông được rút khỏi Trung Quốc phú hào bảng. Tương tự, trùm bất động sản Mâu Thọ Lương, chủ tập đoàn Thâm Quyến Phú Nguyên thực nghiệp, cũng “năn nỉ gần chết” để được “loại” khỏi bảng xếp hạng 2002 (trong danh sách 400 người giàu nhất mà Hồ Nhuận bách phú công bố tháng 9-2011, họ Mâu được xếp hạng 272 với tài sản 655 triệu USD; họ Nhậm hạng 162 với 935 triệu USD). Với những kẻ am hiểu luật chơi, họ phải khôn khéo biết sử dụng cái “mũ đỏ”, tức mời nhà nước tham gia cổ phần, như trường hợp của Vương Thạch, ông chủ của China Vanke (Vạn Khoa – tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc). Một kiểu “hiểu luật” nữa là gia nhập Đảng. 1/5 doanh nhân trong danh sách Hồ Nhuận bách phú bây giờ đều là đảng viên…
Năm 2008, Đảng mời một nhóm 35 doanh nhân đến Trường đảng trung ương – một cử chỉ thể hiện quan điểm mới của Đảng về khối “dân doanh”. Những tòa nhà của Trường đảng trung ương gần Di Hòa Viên được trang bị hiện đại. Phòng lưu trú dành cho nhóm khách quí được lắp tivi màn hình phẳng Lenovo; với Internet không dây; rồi hồ bơi; sân tennis… Các bữa ăn của họ dưới căngtin được phục vụ miễn phí trong khi hầu hết học viên khác phải trả 5 tệ/suất. Họ được cấp kem đánh răng Colgate thay vì sản phẩm nội địa trứ danh “Hắc Muội nha cao”. Tất nhiên đó phải là nhóm doanh nhân ưu tú hàng đầu Trung Quốc, trong đó có nhiều nhân vật tên tuổi chẳng hạn Du Mẫn Hồng thuộc New Oriental (Tân Phương Đông giáo dục khoa kỹ tập đoàn; được niêm yết tại thị trường chứng khoán Nasdaq-New York)…
Khóa cao cấp lý luận chính trị bắt đầu từ việc khảo lược vài luận thuyết căn bản “nhập môn” như “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý thuyết Đặng Tiểu Bình”; rồi tiếp đó là những buổi diễn thuyết dài về các vụ xung đột chính trị khu vực, đàm phán mậu dịch đa phương, cùng nhiều chủ đề thời sự thế giới nóng sốt… Giảng viên đều là những đồng chí quyền lực nhất hệ thống chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc. Điểm nhấn quan trọng đặc biệt đáng chú ý của khóa học là buổi giảng của Hiệu trưởng Tập Cận Bình. Trước buổi giảng, bản sao bài nói chuyện của ông Tập được phát cho tất cả viên chức-học viên trong giảng đường, trừ nhóm doanh nhân. Họ thậm chí không được ghi chú. Sự được phép “hạnh ngộ” để nghe một nhân vật to cỡ như ông Tập nói chuyện đã là một vinh dự quá lớn đối với nhóm doanh nhân! Họ chỉ được ngồi im và lắng nghe. Đó là một thái độ tuân phục mà Đảng muốn, Đảng yêu cầu, Đảng đòi hỏi – đặc biệt đối với kinh tế tư nhân, một trong những lĩnh vực luôn muốn vùng vẫy thoát khỏi sự kiểm soát của Đảng. Nhóm doanh nhân đã được đối xử tử tế. Cho nên họ phải “hiểu” vấn đề; phải tự ý thức và luôn nâng cao nhận thức rằng họ đang sống trong một cái lồng. Khôn hồn biết điều thì “tao” để cho làm ăn! “Bọn mày” cứ ngoan là được tất! Bố láo thì đừng trách “tao” thủ hạ chẳng lưu tình!
Mạnh Kim

http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://danluan.org/node/12285

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này