Hoàngquang’s Blog

23/04/2012

Tổ quốc là Nhân dân!

Nguyễn Quang Nhàn

…” Người Việt Nam với tinh thần yêu nước –Tổ quốc trên hết- đã xây dựng nên truyền thống bất khuất của dân tộc này. Không ai có thể độc quyền Yêu nước! Nếu độc quyền yêu nước thì đất nước này đã mất và bất kỳ kẻ độc quyền nhân danh nào cũng không phải là đại diện đất nước, nhân dân; chính họ đã tự mình đứng chung với kẻ thù, đối lập với nhân dân, phản bội tổ quốc…”

Phan Tất Thành Vì sao nông dân lên tiếng chất vấn công quyền? Huynh Ngoc Chenh TOÀN CẢNH VỤ CƯỠNG CHẾ Ở VĂN GIANG Bà Lê Hiền Đức: ĐỪNG CHĨA SÚNG VÀO DÂN quechoa Những lá thư đẫm nước mắt

30/4, ngày “có hàng triệu người vui và có hàng triệu người buồn”; có hàng triệu người mừng đất nước không còn chiến tranh, đổ máu; có hàng triệu người ngơ ngác, hoảng loạn, tiếp nối cuộc trường chinh xưa đi tìm cuộc sống tự do, dân chủ, quyền được làm người ở các quốc gia dân chủ trên khắp thế giới….!

30/4, những dòng thông tin độc quyền lại đập vào mắt, chọc vào tai xã hội cái điệp khúc “giải phóng, chiến thắng”; “ngụy quân, ngụy quyền”; “Sài gòn ơi ta đã về đây….”…

37 năm, chặn đường qua gần hai thế hệ. Lớp người “ngày ấy” trải dài với cái hiện thực cuộc sống trần trụi của xã hội chắc hẳn không còn như ngày xưa, cả tâm hồn và cuộc sống, lý tưởng, ước mơ chắc đã tan theo khói mây trời; nhiều vui, buồn, đắng cay, tủi nhục, căm hờn theo những chiều kích khác nhau, trôi nổi bọt bèo, vong thân, vong bản hay giữ gìn ngọn lửa đang cháy lắng sâu vào tâm thức sống cùng nổi đau của đất nước, dân tộc, nhân dân.. Và mỗi người có một thời đã sống chắc hẳn hình ảnh quá khứ lại hiện về và thực tại đất nước lại bày ra ….Thấy gì? Vẫn những mâu thuẩn nội tâm dân tộc đang giằng xé; nhiều thứ tha xen lẫn thù hận còn sâu lắng; nhiều khổ đau tiếp tục chất chồng; nhiều bất an vẫn tiếp tục trong cuộc sống xã hội hàng ngày! Công nhân-nền tảng của đảng độc quyền lãnh đạo cứ tiếp tục đình công; nông dân-lực lượng chủ lực trong cách mạng “dân tộc, dân chủ, nhân dân” trở thành dân oan, bị cướp nhà, cướp đất tiếp tục khiếu kiện, sống lây lất, tha hương; trí thức “phản biện” lại tiếp tục bị đưa ra tòa nhà vì tin vào cái quyền tự do dân chủ được Hiến pháp quy định; biên cương, biển đảo vẫn luôn dậy sóng; anh em đồng chí cùng chung “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, “bên này biên giới là nhà”, đất nước, nhân dân hàng ngày bị lộng giả chân chơi trò cướp giật …Xã hội lắm thứ loạn, nạn, cướp . Tham nhũng là quốc nạn không còn thuốc chữa, ăn sâu vào mọi ngõ ngách đời sống chinh trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường…, băng hoại tâm hồn dân tộc đất nước… …Bước chân ra đường, chạm vào huyết mạch thân thể xã hội là chạm phải cả một bức tranh xã hội, đất nước đầy màu sắc tương phản, nhiểu nhương, sợ hãi ….

Con người vẫn đi tìm, mưu cầu sự sống, từ trẻ thơ cho đến người già! Nhân dân mong muốn một cuộc sống an lành sao mà khó!

”Việt nam,Việt nam nghe tự vào đời…; Việt Nam nước tôi” (1)! Sống trên quê hương, đất nước mình, biết bao kẻ đã tự ly hương…
***
Nhân dân Việt Nam với nghĩa “đồng bào”, sinh ra cùng chung một bọc, một Quốc Gia. Yêu nước là tình cảm thiêng liêng. Nước là Dân. Hai mà Một! Tình cảm thiêng liêng, keo sơn ấy không kẻ thù nào có thể ngăn chia !

”Thiên đường” nào đó cũng phải bắt đầu từ hiện tại, từ cuộc sống hiện tại. Nhìn kẻ thống trị đối xử với nhân dân ta biết chúng có cùng chung Tổ quốc hay không. Nhìn tổ quốc họ nhân danh nhân dân tự biết chúng có tổ quốc hay không, tôn thờ tổ quốc nào! Từ thực tại cuộc sống xã hội, đất nước nhân dân nhìn thấu tất cả. “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống” …, từ xa xưa đã “cùng chung một giàn, “một bọc”, một Tổ quốc giang san, sống cùng chung với mọi vận mệnh của đất nước, dân tộc. Không ai muốn bỏ “cái giàn”; ai cũng yêu, gìn giữ, bảo vệ đất nước, tổ quốc này, dù “mạnh yếu tuy có lúc khác nhau nhưng hào kiệt đời nào cũng có” (2)! Sức mạnh Diên Hồng đời đời giữ nước, có vậy, dân tộc, đất nước này hàng ngàn năm qua luôn giữ gìn nền độc lập, mới chiến thắng kẻ thù luôn có âm mưu xâm lược, đồng hóa. ..

Đất nước vững mạnh, phát triển phải được xây dựng từ mỗi bàn tay, khối óc của người dân Việt, không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, giai cấp. Quyền sống, quyền tự do, mưu cầu hạnh phúc, yêu nước là quyền tối thiểu, căn bản của mỗi con người không ai có quyền chà đạp! Yêu nhân dân, Tổ quốc, hãy nhìn lại chính mình, quay về với chính mình, tự thương mình! Thương để tự biết mình, biết tận cùng những nổi khổ đau để mà yêu thương, cứu khổ! “Thương” phải từ cái Tâm bình đẳng nhưng cũng phải có Tâm “Trí tuệ” sáng suốt. Không có tâm sáng-trí tuệ thì Tâm chỉ mù quáng, không có lòng Nhân. Có Tâm Sáng mới Sáng Tâm! Người có Tâm với dân tộc, đất nước, Tâm ấy tất sáng trong, đầy tình yêu thương, tất cả vì con người, vì Nhân dân, Tổ quốc Việt Nam. Từ ngàn xưa -Tổ Quốc là Nhân dân. Nhân dân là Tổ Quốc ! Tổ quốc chính là tổ tiên, hồn thiêng sông núi! Các quyền Tự Do, Dân Sinh, Dân Chủ, Nhân Quyền, Dân Quyền của mỗi dân Việt là thiêng liêng, là quyền sống, không tách rời cuộc sống cộng đồng nhân loại.

Có nhìn lại chính mình với cái Tâm trong sáng, Tình Thương – Trí Tuệ mới thấy rõ những đúng sai, tốt xấu, dân tộc, phi dân tộc, nhân bản, phi nhân bản… Nhìn đúng thực tại bằng cái tâm trí tuệ mới thấu suốt cái bản chất cuộc sống và thấu rõ nguyên nhân vì sao xã hội đất nước ta mấy chục năm qua lại đi những bước thụt lùi và đời sống tinh thần, văn hóa, xã hội băng hoại ghê gớm như hôm nay, lại cận kề với nguy cơ mất nước, nguy cơ diệt giống nòi Việt dù ngày xưa cả nghìn năm Bắc thuộc nhưng người Việt, dân tộc Việt vẫn không bị đồng hóa, đất nước vẫn trường tồn …

Cuộc đời là vô thường, cuộc sống luôn thay đổi nếu không có cái bản tâm trong sáng, tính thiện, tình yêu nước sáng trong thì – anh hùng, tội phạm; yêu nước, bán nước; chánh, ngụy; độc lập, nô lệ; đúng sai, tốt xấu, vì dân vì nước hay phản nước, hại dân.. làm sao phân biệt! Với nhân duyên cuộc đời, từ hiện thực xã hội mọi người có thể nhìn thấu suốt cái bản chất và “biện chứng của lịch sử” cũng đã nhãn tiền ra đó! Mọi sự vật đều có hai mặt- trong cái xấu có cái tốt, trong cái tốt có cái xấu. Chẵng có cái gì vẹn toàn, vấn đề là, từ thực tại cuộc sống tự mỗi người biết phân biệt cái tốt, cái xấu và khi thấy sai biết sửa …Cái xấu của người sẽ là cái duyên tốt của mình để mình thấy cái xấu, biết cái xấu để mà tránh, mà từ bỏ, diệt cái gốc xấu xa đó đi; đừng thiên kiến, ác tâm cứ buộc người ta mãi vào cái xấu xa. Cái hào quang quá khứ, dù có thực đi, nếu cái nguồn, cái bản chất của nó không có, vay mượn, giả tạo thì nó đã tắt ngấm trong lịch sử, không thể lấy nó để làm ánh hào quang, che đậy cho những cái xấu xa, tăm tối, tà tham, gian, ác trong hiện tại được.

Gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy! “Ngọt, đắng ”t ự mình. Đừng nghĩ rằng cái “quả ngọt“có được hôm nay là mãi mãi. ”Ăn quả (còn phải ) nhớ kẻ trồng cây”, đó là đạo lý của đời, huống gì, kẻ chỉ gieo “quả đắng” mà cứ đòi hái “quả ngọt “, quả ấy chính là nhân họ đã tự gieo, chẵng chóng thì chầy, rồi họ sẽ nhận quả về sau thôi ! “Bài học ngàn vàng”(3) ấy chỉ có kẻ mù lương tâm, thiếu lương tri …mới không tự thấy…

Hãy sống và hãy tự đặt mình là người, người là mình; thương người, thương mình; yêu dân yêu dân tộc, đất nước mình với cái tâm bình trong sáng và làm một người công dân bình đẳng, “quan” cũng là một công dân bình đẳng trước luật pháp, xã hội. Không có tình thương yêu sẽ không biết quý trọng chính mình, như vậy làm sao biết quý trọng, yêu thương người khác! Có muốn làm anh hùng muôn thuở, sử sách dân tộc, nhân loại mãi mãi ghi danh, trước hết hãy là một con người và hãy làm một con người tốt của xã hội, một người con hiếu thảo với mẹ cha, với nhân dân, đất nước. Đừng coi nhân dân là kẻ thù; đừng vắt kiệt sức dân; đừng xem đất nước là của cải, tài sản riêng của mình; đừng nghĩ rằng mình đạp trên thiên hạ là giỏi giang; đừng lấy gươm đao, dùi cui, súng đạn thay cho công lý; đừng nghĩ rằng làm bạn với kẻ cường quyền, “hữu nghị” với kẻ thù luôn có dã tâm xâm lược, đồng hóa dân tộc mình, chà đạp lòng yêu nước của nhân dân mình … là bền lâu! Một cơn đất nổi, một đợt sóng thần, một con bão tố…nó sẽ quét sạch đi tất cả….Nhân dân mới là vạn đại ! Phải biết sống Ơn Nước, Ơn Dân! Có dân là có tất cả ! Hãy tự quay về thật sống với nhân dân và hãy thử làm Dân đi như cái thuở nào! Nhân dân luôn tính bản thiện. Cái ác ung nhọt mọc lên trên từng bước chân của kẻ làm quan. Nếu thật yêu, thật sống vì dân, vì nước, “dân vi bản”, nhân dân sẽ là liều thuốc thần diệu yêu thương, diệt đi cái ung nhọt giúp cho bước chân kẻ quan thanh thản trên đường hoạn lộ. Hãy biết sống vì nhân dân, đất nước thì sẽ thành vị Thần Hoàng… Ai cũng có quá khứ, xấu tốt cũng sẽ chuyển hóa với thời gian. Con người luôn tìm về ánh sáng. Đừng mãi coi nhau là kẻ thù. Đừng nhân danh vì những thứ xa vời; cuộc sống của mỗi người luôn là cuộc sống hiện tại và hãy làm những gì ích nước, lợi dân từ hiện tại. Cái gông trên cổ, cái ý độc trong đầu là tự mình chuốc lấy, làm khổ mình và khổ người, khổ cả xã hội, đất nước. Sao không học tấm gương xưa –” Thà làm Quỹ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc”(4). Tự mình đeo gông thì hãy tự mình gỡ bỏ. “Quay đầu là bờ”! “ Đồ tể buông đao thành Phật”!

Bản chất của xã hội đã là đa nguyên. Mỗi người là mỗi người nhưng có người-có ta, có ta – có người nên dù có những khác biệt mỗi người luôn tìm đến nhau, bởi vậy, mới có gia đình, gia tộc, dân tộc, quốc gia, xã hội, thế giới. Dân chủ là tôn trọng sự khác biệt. Nếu chỉ khư khư ôm cái riêng, lấy cái thiên kiến của mình áp đặt cho người, loại trừ nhau thì làm sao có cuộc sống xã hội xanh tươi! Con người ta có thể lừa dối người khác chứ không ai tự lừa dối mình, nếu tự lừa dối chính mình bàn thân họ đã sống trong địa ngục thì làm sao họ có thể xây dựng được thiên đường trong cõi đời này!

Hãy lột bỏ những cái vỏ ngôn từ đầy màu sắc nhân danh, giả tạo, thiển cận, vị kỷ, ban ơn. Trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay, dân chủ, dân quyền, nhân quyền là nhưng giá trị phổ biến, có tính nhân bản, thiêng liêng, là xu hướng tất yếu của nhân loại. Dân chủ là Dân chủ! Đó là nền tảng đạo lý của xã hội nhân loại và thời đại. Dân là Chủ, dân không cần ai lãnh đạo làm chủ thay. Đó chỉ là sự lừa bịp. Luật pháp đảm bảo quyền sống, quyền làm người cho mỗi công dân xã hội bình đẳng. Nhân dân có quyền dân chủ thì mới có tự do cho mình và cho tất cả. Luật pháp của thể chế độc tài chỉ bảo vệ cái quyền của kẻ độc tài, bảo vệ những công dân bất bình đẳng để thống trị toàn xã hội, chia rẽ nội bộ nhân dân, phân hóa xã hội chứ không bao giờ là của toàn thể xã hội. Đôc lập là độc lập của mỗi công dân có quyền tự do và ý thức quyền dân chủ của mình làm chủ xã hội bằng quyền công dân bình đẳng.

Người Việt Nam với tinh thần yêu nước –Tổ quốc trên hết- đã xây dựng nên truyền thống bất khuất của dân tộc này. Không ai có thể độc quyền Yêu nước! Nếu độc quyền yêu nước thì đất nước này đã mất và bất kỳ kẻ độc quyền nhân danh nào cũng không phải là đại diện đất nước, nhân dân; chính họ đã tự mình đứng chung với kẻ thù, đối lập với nhân dân, phản bội tổ quốc. Nếu vì đất nước, dân tộc Việt Nam, muốn xây dựng một Quốc Gia “ của dân, do dân, vì dân” thì hãy quay về với dân tộc, hãy làm người Việt Nam yêu nước, bằng cái tâm thương yêu, bình đẳng, trí tuệ để “hóa giải, hòa hợp”. Không có dân chủ, tự do thì không thể hóa giải, không có hòa hợp!
Tổ quốc là nhân dân! Nhân dân là Tổ quốc! Nhân dân không bao giờ phản bội chính mình!
Bất cứ kẻ nào chống lại nhân dân với bất cứ danh nghĩa nào đều là kẻ phản bội Tổ Quốc!

***
30/4, ngày dấu son hay vết bầm đen, lịch sử sẽ trả lời. Với tình yêu –trí tuệ, tình yêu nước sáng trong nhân dân đất nước này sẽ tự trồng lên cho mình đóa hoa đời đất nước mỗi ngày 90 triệu người vui…!

Nguyễn Quang Nhàn

(1) Ca khúc “Việt Nam, Việt nam!”- Phạm Duy
(2) Nguyễn Trãi-“Bình Ngô Đại cáo”
(3) Tên một tác phẩm của HT Thích Thiện Hoa
(4) Lời của Tướng Trần Bình Trọng- Nhà Trần

http://www.danchimviet.info/archives/56580

Phan Tất Thành- Vì sao nông dân lên tiếng chất vấn công quyền?

Ai đã đẩy nông dân đến chỗ bần cùng phải lên tiếng đòi được đảm bảo rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”??
Xin thưa rằng có một phần vì các dự án chiếm đất nông nghiệp của nông dân. Ta cùng dò lại một vài số liệu để xem có đúng vậy không.
Việt Nam có khoảng 25,4 triệu người sống ở khu vực thành thị và khoảng 60,4 triệu người cư trú ở khu vực nông thôn. Có thể thấy rằng yếu tố trực tiếp và rõ nhất ảnh hưởng đến đời sống của số nông dân là đất đai, bởi vì điều này xuất phát từ thực tế hiện cả nước có 71% dân số làm nông nghiệp nhưng số hộ nghèo chiếm tới 23,4%, trong khi ở bộ phận người phi nông nghiệp chỉ có 5% hộ nghèo. Trung bình mỗi năm, người nông dân phải nhường 74.000 ha đất nông nghiệp để xây dựng các công trình nhà ở, đô thị và khu công nghiệp. Tốc độ mất đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu hiện nay là 1%.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, với mức độ trưng dụng và chuyển đổi đất lúa diễn ra ồ ạt trong những năm qua, việc mất an ninh lương thực quốc gia hoàn toàn có thể xảy ra.
Mới đây, Bộ đã báo cáo Chính phủ về tình hình sử dụng đất lúa và dự kiến nhu cầu về loại đất này đến năm 2020. Theo đó, từ năm 2000 đến năm 2007, diện tích đất trồng lúa đã giảm 361.935 hécta – bình quân mỗi năm giảm gần 51.705 hécta, làm thâm hụt sản lượng thóc trên 400-500 ngàn tấn/năm và làm ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của ít nhất 100 ngàn hộ nông dân mỗi năm.
Còn theo báo cáo sơ bộ của một số bộ ngành như Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương, nhu cầu trưng dụng đất rất lớn. Và cứ với mức độ trưng dụng và chuyển đổi đất lúa như giai đoạn 7 năm (2000 – 2007), tới năm 2020 quỹ đất lúa chỉ còn lại 3,4 triệu hécta. TS. Nguyễn Văn Ngãi (Đại học Nông lâm TP. HCM) cho rằng với đà này, đến năm 2020 sản lượng lúa của Việt Nam chỉ còn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ nước, chứ không có khả năng xuất khẩu.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công nghiệp Bộ Công thương đã đưa ra một thông tin rất đáng chú ý. Đó là: Việt Nam đã mất đi hàng chục vạn ha đất trồng lúa trong khi đó hiệu quả mang lại chưa tương xứng, bản thân chính sách thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là một chính sách đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều cụm công nghiệp ra đời đã hàng chục năm nhưng tỷ lệ lấp đầy không quá 30 – 40%. Hậu quả để lại là hàng chục ngàn ha hoang hoá không sử dụng, mà người nông dân thì thiếu đất để trồng lúa.
Thử hỏi nông dân không có đất thì họ sống bằng gì??? Từ Cách mạng Tháng 10 Nga đến Cách mạng Tháng 8 ở Việt Nam đều có mối quan tâm hàng đầu là đem ruộng đất về tay nông dân. Cải cách ruộng đất thập niên 50 trên đất nước ta để lại nhiều hệ lụy đau xót nhưng cái gốc của nó là “ruộng đất về tay dân cày” thì không thể phản bác. Có phải vì những lợi ích khác mà quyền “người cày có ruộng” của người nông dân đang bị tước đoạt.
Chế độ ta là “của dân, do dân, vì dân”, hơn thế nữa: “mọi quyền lực thuộc về nhân dân”. Thế mà những người nông dân (ông bà chủ) đang phải vượt qua mọi rào cản để đi tìm công bộc, xin được gặp công bộc và xin được công bộc trả lời chủ về tình trạng sống chết của chủ.
Ngày 29 tháng 9 năm 2011 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã trình Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo báo cáo này, tính đến cuối năm 2010, diện tích đất trồng lúa trên toàn quốc chỉ còn khoảng 4,1 triệu hécta và Chính phủ đề nghị giảm diện tích này xuống còn khoảng 3,8 triệu hécta, như đã được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong nghị quyết năm 2009. Tuy nhiên, theo báo chí trong nước, nhiều uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lo ngại là chưa chắc Việt Nam có thể giữ được lâu dài diện tích 3,8 triệu hécta, trước tình trạng là nhiều địa phương vẫn lấy đất trồng lúa để làm khu công nghiệp. Tại sao trước thực tế sử dụng đất đai như vậy mà Chính phủ vẫn cương quyết lấy đất của dân. Tôi còn nhớ một câu hát của những năm 50: “Nhà ta ta cứ xây, đường ta ta cứ đi, RUỘNG TA TA CỨ CÀY”. Tất nhiên câu hát này chỉ nói lên nguyện vọng được cày trên thửa ruộng của mình, rồi có chết thì cũng “vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng”. Có thể những người làm chủ trương lấy đất của nông dân chưa thuộc câu thơ này để lường cái chết đã được nhà thơ báo trước rồi.
Không chỉ có yếu tố công nghiệp hóa bừa bãi, diện tích đất trồng lúa ở Việt Nam còn có nguy cơ tiếp tục bị thu hẹp do tiến trình đô thị hóa ồ ạt và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ấy là chưa kể nhiều nơi vẫn biến đất trồng lúa thành sân golf một cách thoải mái. Theo lời giáo sư Võ Tòng Xuân, có thể nói diện tích trồng lúa đang trở thành một vấn đề ngày càng nóng bỏng ở Việt Nam trong bối cảnh mà dân số nước ta vẫn tăng đều đặn và được dự đoán là trong 20 năm nữa sẽ lên đến từ 110 đến 115 triệu người. Lúc đó, có thể Việt Nam sẽ không thể tiếp tục xuất khẩu gạo như hiện nay và thậm chí sẽ khó mà bảo đảm an ninh lương thực. Nếu còn ai đó chưa biết rằng con cháu mình sẽ không đủ gạo ăn thì nên gặp gỡ những người nông dân đang đội nắng mưa, chịu đói khát đang đòi quyền được CÀY RUỘNG của họ để hiểu rằng nên cùng với nông dân cứu đói cho con cháu của mình.
Tranh luận luôn là một giải pháp tìm kiếm sự đồng thuận một cách lành mạnh. Dân muốn nói, hãy cho họ nói và nếu họ muốn nghe, hãy nói với họ để họ được nghe. Nghe – nói là chức năng sống chỉ duy nhất loài người được hưởng trong muôn loài tồn tại.
P. T. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
http://anonymouse.org/cgi-bin/anon-www.cgi/http://boxitvn.blogspot.com/2012/04/vi-sao-nong-dan-len-tieng-chat-van-cong.html#more

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này